Chủ động ứng phó với những thách thức trong năm học mới
Rất có thể, năm học mới của học sinh Hà Nội sẽ diễn ra trong thời điểm cả TP vẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trước những thách thức từ dịch bệnh, nhiều trường học trên địa bàn TP đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới.
Lên phương án ứng phó với từng tình huống
Theo quy định về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mà Bộ GD&ĐT ban hành, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9-2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23-8-2021. Thời gian tổ chức khai giảng vào ngày 5-9-2021. Thời gian kết thúc học kỳ I trước ngày 16-1-2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25-5-2022 và kết thúc năm học trước ngày 31-5-2022.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP phê duyệt về khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022. Theo đó, lịch tựu trường của học sinh Hà Nội dự kiến sẽ cơ bản theo khung mà Bộ GD&ĐT ban hành, đó là ngày 1-9 để đảm bảo tiến độ chương trình. Tuy nhiên, do dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, nên phương án trình UBND TP cũng đưa ra dự kiến sẽ cho học sinh tựu trường và học trực tuyến, khi nào dịch bệnh được kiểm soát mới có thể cho HS đến trường trực tiếp. Đây mới là phương án Sở GD&ĐT trình, còn quyết định ra sao sẽ phải chờ UBND TP. Tuy nhiên, các trường học đều đã lên phương án cho lễ khai giảng, giảng dạy trực tiếp và trực tuyến.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Giang Biên trong ngày khai giảng năm học 2020-2021
Thầy Nguyễn Văn Kỳ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên) cho biết: “Hiện tại, nhà trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Phòng GD&ĐT. Nhà trường cũng đã già soát lại trang thiết bị học tập, bổ sung những thứ còn thiếu, đồng thời thực hiện dọn dẹp vệ sinh phòng học,…để đón các em trở lại trường sau thời gian giãn cách. Nhà trường cũng đang tiến hành bàn giao học sinh cho năm học mới. Để ứng phó với từng tình huống, nhà trường đã lên 2 phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh trong năm học 2021-2022, để dù học trực tiếp hay trực tuyến thì đều phải đảm bảo chất lượng học tập cho các em”.
Cô Phan Thị Xuân Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang (quận Long Biên) cho biết, giáo viên nhà trường đã hoàn thành tập huấn SGK mới lớp 2. Với tình hình dịch như hiện nay, nhà trường cũng đã yêu cầu giáo viên lên phương án cho việc dạy học trực tuyến. Do đã có 2 năm dạy trực tuyến nên các thầy cô đều đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, các buổi học của các em có thể sẽ diễn ra buổi tối do còn phải phụ thuộc vào bố mẹ. Cô Phan Thị Xuân Thu nhấn mạnh năm học mới diễn ra trong lúc dịch bệnh có những diễn biến phức tạp kéo theo nhiều thách thức đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Yếu tố thành bại của chương trình, SGK mới phần lớn nằm ở sự tâm huyết, sáng tạo trong cách giảng dạy của giáo viên nhằm tạo sức hút cho học sinh tập trung nghe giảng.
Đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh
Với học sinh đầu cấp Tiểu học và THCS, năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn Hà Nội tuyển sinh khoảng 159.000 học sinh lớp 1 và 131.000 học sinh lớp 6. Năm học mới này, trên địa bàn TP có 786 trường tiểu học với gần 20.000 lớp. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, với quy mô 2.800 trường học, ngành giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Sở cũng yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng trường, phòng học, ưu tiên những nơi có khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư…Ông Đại nhấn mạnh mục tiêu của TP là bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, huy động 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm về chỗ học cho học sinh.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT cho biết năm nay Bộ GD&ĐT đã có tính toán, ưu tiên cho học sinh lớp 1 và học sinh nội trú tựu trường từ 23-8 để có thời gian làm quen với trường, lớp. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, kế hoạch này khó khả thi đối với một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Thái Văn Tài cũng khẳng định, học sinh lớp 1 là đối tượng đặc biệt khi vừa chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học nên phải đặt quyền lợi học sinh và chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Các địa phương cần căn cứ tình hình dịch bệnh để tính toán phân khu, phân luồng đảm bảo học sinh lớp 1 được tựu trường, tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến. Trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh căng thẳng kéo dài, địa phương có thể báo cáo với Bộ GD&ĐT về phương án phù hợp, trong đó lớp 1 sẽ được tạo điều kiện ưu tiên. Các địa phương nếu buộc phải dạy học trực tuyến, nhà trường, giáo viên cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi, điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh. Điều này nhằm giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc.
Phát biểu với sở GD&ĐT các địa phương tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học với giáo dục trung học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu từ khung kế hoạch của Bộ, các tỉnh, TP cần ban hành kế hoạch năm học mới phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương. Tất cả cần phải thay đổi để thích ứng, từ cán bộ quản lý cho tới mỗi giáo viên; cần linh hoạt, sáng tạo trong triển khai, đảm bảo chất lượng đối với các yêu cầu cốt lõi. Mục tiêu cốt lõi là bất biến, còn phương pháp và hành động thì vạn biến sao cho hiệu quả.