Không ai có thể thay người dân phòng sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng lên từng ngày và vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên có thể phòng sốt xuất huyết tại nhà nếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần, thì đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 4/11, toàn TP ghi nhận 10.716 ca mắc, 12 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017, vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên.
Theo bà Hà, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có những diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn ghi nhận ở mức cao, ngành Y tế Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách quyết liệt ngay từ sớm, từ xa. Hiện, dịch sốt xuất huyết vẫn trong tầm kiểm soát, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, chính quyền địa phương và người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài, mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những việc đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch.
Đó là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước…
Mọi người cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày và nhất là tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu.
Vì vậy, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như xuất huyết răng, mũi, tiêu hóa, đau bụng vùng gan, nôn nhiều... cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Nguồn: Sở TTTT TP Hà Nội
Như vậy có thể thấy rằng, cùng với các biện pháp mà ngành Y tế đang tích cực thực hiện thì sự chủ động của người dân là hết sức quan trọng, có tính quyết định trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)
Nói vậy bởi những biện pháp mà ngành Y tế khuyến cáo mỗi người dân, hộ gia đình và cộng đồng cần chủ động thực hiện ngay tại chính ngôi nhà, khu dân cư của mình không ai có thể làm thay, hoặc làm tốt hơn. Đơn cử như việc loại bỏ vật dụng phế thải có chứa nước đọng như lốp xe, bẹ lá hoặc lật úp các vật dụng chứa nước đọng, không để muỗi sinh sôi phát triển.
Việc phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy tại mỗi gia đình cũng vậy. Không ai có thể làm tốt hơn, triệt để hơn mỗi người dân trong chính nơi cư trú của mình.
Có thể nói, dù ngành Y tế đã dự báo từ sớm, từ xa và có những biện pháp phòng chống dịch tích cực, song để các biện pháp đó có hiệu quả, vẫn cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, mỗi cộng đồng, gia đình. Không ai có thể làm thay người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tự bảo vệ mình và cả cộng đồng.