Làm bạn cùng con: Học cách hiểu con trẻ
Thế giới nội tâm của trẻ giống như một cuốn sách, cha mẹ cần đọc cả tấm lòng mới có thể hiểu hết ý tứ của trẻ. Nhiều cha mẹ cho rằng, mình ở cùng trẻ cả ngày nên là người hiểu trẻ nhất, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Để đi vào nội tâm của trẻ, cha mẹ cần phải tạo môi trường sống tốt để chúng có thể phát triển đầy đủ cá tính, trưởng thành một cách vui vẻ.
Chị Huyền làm nghề Kế toán ở một công ty tại Cầu Giấy, Hà Nội đến gặp chuyên gia tư vấn vì gần đây chị cảm thấy càng ngày càng thấy khó hiểu với những hành động, biểu hiện của con gái chị, bé Bảo Trâm- năm nay 6 tuổi. Chị tâm sự: khoảng 3-4 tháng gần đây, chị cảm thấy con gái mình rất “lạ”, chị có cảm giác cô con gái nhỏ ngày xưa đi đâu mất rồi. Bé không còn hứng thú bám lấy mẹ mỗi khi mẹ về nhà, không ríu tít cái gì cũng hỏi, thậm chí đôi khi chị cho bé ra ngoài chơi cuối tuần, đi thăm bạn bè, đi siêu thị là những việc trước đây bé rất thích, nhưng hiện tại có lần đang đi bé đòi đi về. Đặc biệt là trước đây Bảo Trâm rất hay thích giúp mẹ làm việc nhà, để nghe mẹ khen, nhưng bây giờ bé không chủ động như trước.
Trường hợp khác là anh Hòa, làm giám đốc một công ty xây dựng nhỏ. Công việc khiến anh đi nhiều, nhưng anh cho biết khi ở nhà anh cố gắng dành thời gian cho con- bé Bi 5 tuổi. Gần đây, Bi tỏ ra bướng bỉnh, ngại nói chuyện với bố. Trước đây, mỗi khi bố ở nhà, cu cậu bi bô suốt ngày, kể hết chuyện này đến chuyện kia cho bố nghe, nào là ở lớp con chơi với bạn nào, làm gì, được cô giáo khen…
Theo TS. Nguyễn Trọng Tiến- GĐ trung tâm Kỹ năng sống iSmartKids,cơn khủng hoảng này ở trẻ xuất hiện ở tuổi đi học của trẻ. Giai đoạn này trẻ học làm việc, chuẩn bị cho các nhiệm vụ tương lai. Kết quả là ở trẻ hình thành sự ham thích làm việc tốt hoặc mặc cảm tự ti về sự kém cỏi của bản thân khi sử dụng các phương tiện và công cụ không thành công hoặc khi đứng trước bạn bè. Kết quả này do không khí học tập và phương pháp giáo dục ở nhà, hoặc ở trường tạo nên. Để giải quyết khủng khoảng này, cha mẹ cần hiểu con và kiên nhẫn đứng bên cạnh trẻ, chia sẻ và khích lệ con vượt qua giai đoạn này. Cha mẹ cần tìm hiểu nội tâm của trẻ, để thấu hiểu và cảm thông. Dưới đây là một số gợi ý để giúp cha mẹ hiểu con trẻ hơn:
- Biết sở thích của trẻ: Mỗi đứa trẻ đều có những nguyện vọng, yêu cầu và sở thích của mình. Cha mẹ cần phải tìm hiểu sở thích của con,biết con mình thích cái gì và có hứng thú với điều gì. Bởi vì hứng thú vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Bất kì việc gì cũng vậy , lúc đầu trẻ rất hứng thú, nhưng lâu dần sẽ thấy khô khan, nhàm chán. Lúc đó , trẻ cần sự chỉ dẫn, ủng hộ, khích lệ của cha mẹ, đặc biệt khi gặp khó khăn, cha mẹ nê cùng trẻ khắc phục để cùng vượt qua.
- Thường xuyên khen ngợi và khích lệ trẻ: Cha mẹ nhất định phải nhớ rằng, trẻ không cần sự giáo dục cứng nhắc mà cần khuyến khích, khen ngợi. Chỉ cần khen ngợi cũng để quan hệ giữa cha mẹ và con cái thêm thân thiết và mang lại niềm vui cho trẻ và là động lực để thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ. Khen trẻ cũng như khen người lớn vậy, cũng cần một số kỹ năng. Đầu tiên, không được khen quá sự thật.Ví dụ: Trẻ vẽ được bức tranh rất đẹp thì hãy thưởng thức một cách nghiêm túc, rồi nói những lời từ đáy lòng mình, hạn chế nói câu “ con vẽ đẹp hơn bạn khác đấy”. nếu trẻ nhận ra sự thật là bạn khác vẽ đẹp hơn mình, thì sẽ khiến trẻ nghi ngờ về khả năng của mình. Thứ 2, cha mẹ khen kịp thời và khích lệ trẻ một cách cụ thể, phù hợp với từng sự việc.
- Trách mắng trẻ có chừng mực: trách mắng và phê bình là phương pháp giáo dục cơ bản của cha mẹ. Nhưng trước khi trách mắng, phê bình cha mẹ phải phân biệt rõ ràng, đó là lỗi của trẻ được phép phạm phải hay không. Chỉ những lời trách mắng mang tính xây dựng, trẻ mới tiếp nhận, còn không sẽ khiến trẻ tức giận, chống đối. Do vậy, cần phải biết trách mắng có chừng mực.
- Quan sát cảm xúc của trẻ: “ Quan sát trẻ” là bước đầu tiên để tiến hành giáo dục. Dù là thầy cô hay cha mẹ đều phải biết cách quan sát từng của chỉ, lời nói, sở thích, sự thay đổi cảm xúc của trẻ. Khi nhận ra trẻ giận dữ hoặc buồn bã không rõ nguyên nhân, hãy dừng lại tìm hiểu xem trẻ đang gặp phải chuyện gì, lắng nghe tâm sự của trẻ và đồng thời hướng dẫn trẻ nhận thức đúng đắn và xóa bỏ cảm xúc tiêu cực.
- Tìm hiểu thế giới nội tâm của trẻ: Trẻ con cũng có tình cảm và thế giới nội tâm riêng và luôn mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. Cha mẹ hãy là người bạn tốt, thường xuyên nói chuyện, lắng nghe những câu chuyện và tìm hiểu nội tâm của trẻ trên nhiều phương diện. Áp dụng phương pháp giáo dục thích hợp để giúp đỡ và bồi dưỡng trẻ trưởng thành lành mạnh.
- Giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát, sợ hãi và khuyến khích trẻ có nhiều bạn.
– Tạo cho trẻ nhiều cơ hội giao tiếp
– Xây dựng tính tự tin
– Dạy trẻ cách giao tiếp
– Khuyến khích trẻ tìm tòi, thử nghiệm
– Làm tốt công tác tư tưởng, để trẻ thấy mình không phải là người nhút nhát.
– Khuyến khích trẻ mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác để tăng khả năng giao tiếp.