Làm thế nào để cha mẹ hiểu con hơn?
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ, cha mẹ là những người thầy đầu tiên tốt nhất của con. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Để có được một mối quan hệ tốt, tích cực, trước tiên, hơn ai hết, cha mẹ phải là người hiểu con mình nhất. Sau đây là một số phương pháp để giúp cha mẹ hiểu con hơn.
1. Cha mẹ tạo ra cầu nối với con.
Kết nối với trẻ là quá trình tương tác hai chiều. Vì thế, trước khi nói chuyện, cha mẹ phải biết tại sao mình cần nói chuyện với trẻ, mục đích là gì. Mọi hành động cũng như lời nói của cha mẹ đều được trẻ ghi nhớ. Cha mẹ nên là những tấm gương tốt cho trẻ. Tạo môi trường lành mạnh để con phát triển tốt nhất, dùng những câu hỏi mang tính chất gợi mở liên quan đến cuộc sống, học tập để nói chuyện với trẻ. Tuyệt đối không nên áp đặt trẻ khi trẻ không muốn, vì nếu có thực hiện thì kết quả cũng không giống như mong muốn.
2. Học cách đi vào thế giới nội tâm của trẻ
Thế giới nội tâm của trẻ giống như một cuốn sách, cha mẹ cần đọc cả tấm lòng mới có thể hiểu hết ý tứ của trẻ. Nhiều cha mẹ cho rằng, mình ở cùng trẻ cả ngày nên là người hiểu trẻ nhất, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Để đi vào nội tâm của trẻ, cha mẹ cần:
- Biết sở thích của trẻ: Mỗi đứa trẻ đều có những nguyện vọng, nhu cầu và sở thích của mình. Cha mẹ cần phải tìm hiểu sở thích của con, biết con mình thích cái gì và có hứng thú với điều gì.
- Thường xuyên khen ngợi và khích lệ trẻ: Cha mẹ nhất định phải nhớ rằng, trẻ không cần sự giáo dục cứng nhắc mà cần khuyến khích, khen ngợi. Chỉ cần khen ngợi cũng để quan hệ giữa cha mẹ và con cái thêm thân thiết và mang lại niềm vui cho trẻ và là động lực để thúc đẩy sự cố gắng của trẻ.
- Trách mắng trẻ có chừng mực: trách mắng và phê bình là phương pháp giáo dục cơ bản của cha mẹ. Nhưng trước khi trách mắng, phê bình cha mẹ phải phân biệt rõ ràng, đó là lỗi của trẻ được phép phạm phải hay không. Chỉ những lời trách mắng mang tính xây dựng, trẻ mới tiếp nhận, còn không sẽ khiến trẻ tức giận, chống đối.
- Quan sát cảm xúc của trẻ: “Quan sát trẻ” là bước đầu tiên để tiến hành giáo dục. Dù là thầy cô hay cha mẹ đều phải biết cách quan sát từng của chỉ, lời nói, sở thích, sự thay đổi cảm xúc của trẻ. Khi nhận ra trẻ giận dữ hoặc buồn bã không rõ nguyên nhân, hãy dừng lại tìm hiểu xem trẻ đang gặp phải chuyện gì, lắng nghe tâm sự của trẻ và đồng thời hướng dẫn trẻ nhận thức đúng đắn và xóa bỏ cảm xúc tiêu cực.
- Tìm hiểu thế giới nội tâm của trẻ: Trẻ con cũng có tình cảm và thế giới nội tâm riêng và luôn mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. Cha mẹ hãy là người bạn tốt, thường xuyên nói chuyện, lắng nghe những câu chuyện và tìm hiểu nội tâm của trẻ trên nhiều phương diện.
- Giúp trẻ vượt qua sự nhút nhát, sợ hãi và khuyến khích trẻ có nhiều bạn thông qua:
+ Tạo cho trẻ nhiều cơ hội giao tiếp.
+ Xây dựng tính tự tin.
+ Khuyến khích trẻ tìm tòi, thử nghiệm.
+ Làm tốt công tác tư tưởng, để trẻ thấy mình không phải là người nhút nhát.
+ Khuyến khích trẻ mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác để tăng khả năng giao tiếp.
3. Bốc thuốc đúng bệnh.
Trẻ nào cũng có vấn đề riêng của mình, giáo dục trẻ phải “ bốc thuốc đúng bệnh” thì mới có hiệu quả.
- Kích thích tinh thần cầu tiến của trẻ: tinh thần cầu tiến đóng vai trò quan trọng với tất cả mọi người, đặc biệt là trong phương diện học tập của trẻ. Những đứa trẻ cầu tiến sau này làm nghề gì cũng đều nghiêm túc, chăm chỉ. Cha mẹ phải tìm hiểu, quan tâm và khẳng định ưu điểm cũng như sự tiến bộ của trẻ để kích thích tinh thần cầu tiến. Tránh châm chọc, chế giễu mà thay vào đó là khích lệ, tin tưởng và kích thích ham muốn học hỏi của trẻ. Chính cha mẹ là những tấm gương để con noi theo.
- Thưởng phạt hợp lý: thưởng phạt dù lớn hay nhỏ cũng khiến cho trẻ phản ứng. Nhìn riêng từ góc độ phạt, không thể phạt nặng hơn những gì trẻ gây ra, càng không được đánh vì dù sao trẻ vẫn còn nhỏ, không chịu được áp lực như vậy. Khi thưởng phạt trẻ, ngoài việc hợp lý còn nêu đúng lúc, đúng thời điểm, đúng mức, có như vậy phần thưởng mới phát huy hiệu quả.
- Cha mẹ phải thường xuyên tâm sự với trẻ: Cha mẹ nên dẫn dắt trẻ nói ra những suy nghĩ trong lòng. Khi trẻ nghe xong, cha mẹ nên kịp thời trả lời, để trẻ cảm thấy “đã có người hiểu mình”.
- Học cách chia sẻ và hợp tác: Cha mẹ nên dạy trẻ cách chia sẻ, dễ hòa đồng với mọi người, cũng giống như dạy trẻ nói vậy, bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Cha mẹ hãy dạy trẻ cùng chia sẻ với bạn bè những điều mình tâm đắc, những niềm vui, nỗi buồn của mình. Dạy trẻ cách chúc mừng bạn bè khi có chuyện vui, biết chia sẻ giúp đỡ khi bạn bè gặp chuyện buồn hay những khó khăn trong cuộc sống. Khi đã biết cách chia sẻ, cha mẹ nên dạy trẻ hiểu được ý nghĩa “sức mạnh tập thể”.
- Cha mẹ nên suy nghĩ từ góc độ của trẻ: Thông thường, cha mẹ trách mắng trẻ phần lớn là vì trẻ không làm theo mong muốn của cha mẹ. Người lớn làm việc gì cũng có lý do, trẻ con cũng vậy. Nếu cha mẹ chú ý quan sát sẽ phát hiện trẻ suy nghĩ vấn đề ở góc độ rất khác so với người lớn. Nếu cha mẹ nhân thức được được điều đó có nghĩa là cha mẹ đã có sự thông cảm với trẻ. Sự thấu hiểu của cha mẹ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển cả thể lực và trí lực của trẻ, nó là tiền đề để giáo dục gia đình trở nên đúng đắn.