10 bí quyết vàng chăm sóc sức khỏe gia đình và người thân
Chăm sóc sức khỏe gia đình là điều vô cùng quan trọng nhưng không hề đơn giản. Một khi người thân trong nhà bị nhiễm virus hay vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ lây lan cho mọi người là rất cao. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn 10 bí quyết giúp chăm sóc sức khỏe gia đình và người thân:
1. Tiêm phòng ngừa bệnh cho cả gia đình
Tiêm chủng là một cách để phòng bệnh, giữ sức khỏe cho người thân và gia đinh. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, bạn nên tiêm phòng đầy đủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ em nên được tiêm chủng đầy đủ theo quy định và khuyến cáo từ Bộ Y tế, chẳng hạn như tiêm vắc xin kết hợp phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt…
Một số bệnh có thể không nghiêm trọng với người lớn nhưng lại vô cùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, ví dụ như ho gà, Hemophilus Influenza B đối với trẻ dưới 5 tuổi.
2. Lên kế hoạch cho chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe và tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình. Nếu bạn là người nội trợ hoặc chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, thì bạn cần chú ý chọn thực phẩm và lên thực đơn phù hợp với gia đình mình.
Cần quan sát và để ý nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi thành viên để bổ sung đúng các chất dinh dưỡng phù hợp, tránh rơi vào các tình huống: thiếu chất hoặc thừa chất. Điều này giúp gia đình tránh được khá nhiều bệnh: thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, khoáng chất hoặc tiểu đường, huyết áp cao.
Tìm hiểu và nắm các kiến thức về dinh dưỡng sẽ giúp bạn chuẩn bị được chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cả gia đình.
3. Rửa sạch tay đúng cách
Cách giữ sức khỏe và phòng tránh bệnh vặt tốt nhất là thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Bạn có thể đã nghe điều này rất nhiều lần nhưng rửa tay là cách tốt nhất để ngăn chặn vi trùng lây lan.
Hãy tập thói quen rửa tay đúng cách cho con bạn vào những thời điểm cần thiết như trước và sau khi ăn, khi chơi (điều này giúp hạn chế vi khuẩn tích tụ trên các món đồ chơi, đặc biệt là khu vực chơi chung), sau khi hắt hơi, ho hay vuốt ve động vật và sau khi đi vệ sinh.
Để giúp bé dễ dàng học hỏi và hình thành thói quen, cả gia đình hãy cùng nhau rửa tay thật kỹ theo hướng dẫn 6 bước của Bộ Y tế:
- Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, thoa xà phòng vào lòng bàn tay, chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu, kẽ ngoài của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay đến cổ tay dưới vòi nước chảy và làm khô tay.
Bạn cũng nên chuẩn bị gel rửa tay khô cho mọi người để đề phòng trường hợp không có bồn rửa tay khi đi ra ngoài.
4. Sử dụng khăn giấy đúng cách
Mọi người thường dùng khăn giấy mỗi khi xì mũi, nhưng có một số người vứt khăn giấy bừa bãi sau khi dùng. Do đó, bạn hãy tập thói quen vứt bỏ giấy đúng cách ngay sau khi sử dụng xong thay vì để trên bàn hoặc làm rơi trên sàn nhà.
Một số vi khuẩn và virus ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có khả năng sống bên ngoài môi trường cơ thể trong 2 giờ hoặc nhiều hơn thế. Do đó, dọn dẹp sạch mọi thứ sẽ làm giảm nguy cơ phát tán vi trùng khắp nơi.
Hãy đặt các thùng rác riêng trong mỗi phòng để vứt rác đúng chỗ. Thói quen này cũng nên thực hiện sau mỗi lần bạn hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy.
Trường hợp bạn không mang theo khăn giấy khi ra ngoài, hãy tập thói quen ho hay hắt hơi vào bên trong khuỷu tay.
5. Giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ
Nhà vệ sinh là khu vực được mọi người sử dụng thường xuyên hàng ngày. Ngay cả khi bạn đi vào và ra thật nhanh thì vi khuẩn vẫn tích tụ rất nhiều xung quanh nhà tắm. Hãy lên kế hoạch lau dọn nhà vệ sinh định kỳ, lau dọn bồn rửa mặt, mặt bàn, bệ toilet, bồn tắm và tường nhà tắm bằng các chất tẩy rửa.
Bàn chải đánh răng của các thành viên gia đình nên để cách nhau ít nhất 2,5cm để đảm bảo lông bàn chải không chạm vào nhau, tránh vi trùng lây truyền bệnh qua lại. Ngoài ra, bàn chải đánh răng cũng cần thay mới định kỳ, đặc biệt là sau khi bị bệnh vì vi khuẩn vẫn có thể tồn tại ở đó sau khi bạn đã hồi phục.
Nếu con bạn có những đồ chơi thả trong chậu hay bồn tắm hàng ngày thì bạn cũng phải vệ sinh chúng thường xuyên. Nước bẩn có khi vẫn còn tồn đọng trong các món đồ chơi ấy nên bạn cần ngâm chúng vào dung dịch khử trùng khoảng một lần/tuần, rửa sạch và phơi khô hoàn toàn.
Để gia đình giữ được sức khỏe tốt, hãy cố gắng giữ nhà vệ sinh được sạch sẽ!
6. Vệ sinh căn bếp thường xuyên
Có lẽ bạn chưa biết, nhà bếp có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hơn cả nhà vệ sinh. Đó là lý do mà bạn nên vệ sinh bếp thường xuyên và chú ý đến an toàn thực phẩm khi chế biến món ăn cho gia đình.
Bệnh do thực phẩm gây ra có thể không quá nguy hiểm nhưng thường gây nhiều phiền toái, khó chịu, nhất là với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.
Hãy nhớ rửa tay kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị chế biến bất kỳ loại thực phẩm nào, đặc biệt là các loại thịt sống.
Bạn cũng nên chuẩn bị nhiều thớt để sử dụng cho những thực phẩm khác nhau như đồ sống, đồ chín hay rau quả. Sau khi sử dụng, bạn phải rửa thớt sạch sẽ, kiểm tra xem có bất kỳ vết nứt hoặc kẽ hở nào trên thớt hay không, vì đó là nơi mà vi khuẩn hay ẩn nấp.
Mặt bàn bếp, tủ, chạn và các tay cầm cũng phải được lau và khử trùng thường xuyên. Ngoài ra, bạn cần lên kế hoạch giặt giũ các giẻ lau trong nhà bếp thường xuyên để tránh lây lan vi khuẩn sang những khu vực xung quanh.
7. Kiểm soát những chất gây dị ứng
Lông thú cưng, mạt bụi, ẩm mốc và các chất có khả năng gây dị ứng khác tồn tại trong nhà có khả năng gây kích thích đường hô hấp và khiến bạn hay người thân thường xuyên hắt hơi, sổ mũi.
Chúng thậm chí có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng. Vậy nên, bạn cần tìm hiểu các cách để giảm thiểu số lượng các thành phần này trong không khí, chẳng hạn như sử dụng máy hút bụi hàng tuần hay nghiên cứu về việc sử dụng bộ lọc không khí trong nhà.
Bạn hãy nhớ thay khăn trải giường và vỏ gối thường xuyên, tốt nhất nên giặt chúng với nước nóng hoặc ấm. Cả những con thú nhồi bông trong phòng cũng cần được “tắm giặt” định kỳ vì đó là nơi lý tưởng cho những mạt bụi ẩn náu.
Nếu trong gia đình có người dị ứng với lông động vật, tốt hơn hết là nên cách ly con vật ra một khu vực riêng. Bạn có thể dự trữ một số thuốc chống dị ứng trong nhà để sử dụng khi thấy có dấu hiệu dị ứng.
8. Khám sức khỏe định kỳ cho cả gia đình
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bạn nên lập ra kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho tất cả thành viên trong gia đình, nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bệnh hoặc các vấn đề sức khỏe để có biện pháp xử lý, điều trị kịp thời.
- Đối với người lớn, việc thăm khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình hình sức khỏe và nhận được lời khuyên từ bác sĩ để hạn chế mắc bệnh nguy hiểm như: bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường hoặc các bệnh ung thư khác. Nên kiểm tra sức tổng quát 6 tháng 1 lần, đặc biệt là ông bà trên 50 tuổi.
Trường hợp có người trong gia đình thường xuyên mắc bệnh vặt, nên kiểm tra và xét nghiệm thường xuyên mỗi 3 tháng.
- Đối với các bé nhỏ, nên kiểm tra sức khỏe kết hợp đánh giá các chỉ số phát triển của trẻ. Việc này giúp bố mẹ không chỉ kiểm soát được triệu chứng bệnh mà còn theo dõi được sự phát triển của bé, tránh được 1 số vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
9. Thay đổi lối sống tích cực hơn
Tập thể dục và vận động nhiều hơn mỗi ngày. Bạn chỉ cần cố gắng hoạt động thể chất trong khoảng 30–60 phút mỗi ngày để giúp cải thiện hoạt động của hệ thống tuần hoàn và giúp cơ thể giải phóng năng lượng. Bạn có thể rủ người thân trong gia đình đi bộ hoặc đạp xe cùng như là một hoạt động giúp kết nối, chia sẻ giữa các thành viên.
Các công việc nhà cũng giúp cơ thể hoạt động thể lực, chẳng hạn như lau dọn, hút bụi, làm vườn hay dắt chó đi dạo. Đó cũng là những cách tốt giúp bạn đốt cháy lượng calo dư thừa.
Bên cạnh đó, bạn cần tính toán để cân bằng lượng calo hàng ngày giữa tiêu thụ và giải phóng, vừa giúp giữ gìn vóc dáng vừa để cơ thể năng động, nhẹ nhàng hơn.
Cần hạn chế thời gian của những hoạt động thụ động như ngồi xem tivi, chơi máy tính hay các trò chơi video, đặc biệt là trẻ em chỉ nên chơi dưới 2 tiếng mỗi ngày. Bạn hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi ngoại khóa khác.
10. Dự trữ những thuốc cơ bản cần thiết
Có một số thuốc và dụng cụ y tế cần thiết mà bạn nên chuẩn bị để chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn, giúp theo dõi và phòng ngừa những vấn đề có thể gặp phải.
Dưới đây là danh sách một vài thứ thiết yếu nên có trong tủ thuốc gia đình cần có:
- Thuốc kê đơn theo tình trạng bệnh lý đang có của thành viên trong gia đình
- Thuốc giảm đau, hạ sốt (như paracetamol) hay NSAIDs
- Thuốc chống dị ứng, giảm ho, chống sung huyết, thông mũi
- Thuốc trợ tiêu hóa, trị tiêu chảy, táo bón hay chữa viêm loét dạ dày
- Thuốc mỡ kháng khuẩn, kháng nấm
- Băng cá nhân, gạc và băng dính y tế
- Nhiệt kế và máy đo huyết áp tại nhà
- Các hướng dẫn trong trường hợp khẩn cấp