Cách chăm sóc bệnh nhi mắc sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Với trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong...
Bài viết này cung cấp kiến thức nhằm giúp bố mẹ và người chăm trẻ biết phát hiện và xử trí kịp thời khi trẻ mắc SXH.
Việc cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc SXH?
Cho trẻ mặc quần áo thoáng, màu sáng để thoát nước, không đắp chăn kín, lau nước ấm giúp hạ sốt. Uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch osezol pha đúng theo hướng dẫn, uống nước trái cây, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
Các thuốc được dùng: Thuốc hạ nhiệt paracetamol, không được sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, chỉ dùng paracetamol theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Không hạ sốt bằng dùng thuốc aspirin, ibuprofen vì dễ gây xuất huyết nặng. Không dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là do virus nên kháng sinh không mang lại hiệu quả mà còn làm người bệnh mệt thêm.
Về truyền dịch, người bệnh được truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ và tại cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu (trong trường hợp không uống được). Không cho trẻ SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì đã có không ít trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ.
Không nên cạo gió, cắt lể vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc. Không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như coca, pepsi, xá xị... vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
Những việc mẹ cần làm khi trẻ mắc SXH
Đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu nghi ngờ SXH. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà và chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình hồi phục bệnh trẻ chưa thể ăn uống ngon miệng như bình thường cũng làm chậm quá trình hồi phục, có thể bổ sung thêm thuốc bổ cho trẻ nhưng cũng phải theo hướng dẫn. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, khuyến khích uống nhiều nước đun sôi để nguội, uống nước cam, chanh, dung dịch oresol để bồi hoàn nước điện giải. Phát hiện sớm dấu hiệu chuyển mức độ để kịp thời đưa vào viện.
Khi trẻ có các dấu hiệu sau cần phải cho nhập viện ngay: bứt rứt, vật vã, mệt mỏi, quấy khóc, da chi lạnh...
Khuyến cáo phòng bệnh SXH
Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Đồng thời, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.