Cách nhận biết sớm sốt xuất huyết ở trẻ để điều trị kịp thời
Trẻ bị sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm
Trẻ mắc sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ lại càng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lại không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua, dễ bị biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ; trẻ bị sốt xuất huyết cần được phát hiện sớm và điều trị đúng.
Theo đó, cần cách nhận biết sớm bệnh sốt xuất huyết với các dấu hiệu đặc trưng như: Bệnh thường khởi phát với biểu hiện sốt cao đột ngột ở những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sốt kéo dài 2-7 ngày kèm theo các biểu hiện như: Đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ sơ sinh có thể có kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, khó phân biệt với các loại sốt do virus khác.
Vào ngày thứ 2 của bệnh, trẻ thường có thêm các biểu hiện xuất huyết như: Xuất huyết ngoài da với biểu hiện là các chấm đỏ không biến mất khi ấn tay vào; xuất huyết niêm mạc, chảy máu lợi, chảy máu chân răng; xuất huyết tiêu hóa biêủn hiện nôn ra máu, đại tiện ra máu.
Từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ dần hạ sốt xuống mức 37,5 - 38 độ C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: Lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to.
Đặc biệt, với những trường hợp diễn biến nặng dẫn tới sốc sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như: Chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được... cần phải nhập viện cấp cứu ngay.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, việc chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ 4 nguyên tắc là: Hạ sốt đúng cách bằng việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt, lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và bù nước cho trẻ; có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Đặc biệt, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng lên như: Nôn trớ nhiều, đau bụng; bứt rứt, quấy khóc, li bì, chân tay lạnh, tím tái, vã mồ hôi; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện phân đen.