Đến trường mùa nắng nóng: Làm sao để đảm bảo an toàn
Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ học sinh trên cả nước quay trở lại trường học khi phượng đã nở, ve đã kêu. Mùa hè đến, thời tiết nắng nóng nhưng vẫn phải đến trường khiến nhiều trẻ nhỏ gặp khó khăn. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý bảo vệ sức khỏe con trẻ trong “những tháng ngày đặc biệt” này.
Đảm bảo sức khỏe cho trẻ mùa nắng nóng
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân khiến cho nhiều bệnh lý ở trẻ em tăng vọt. Dù đến thời điểm này số lượng trẻ phải đến bệnh viện điều trị chưa nhiều do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, trẻ em cũng được bảo vệ tốt hơn. Thế nhưng hiện nay, khi trẻ em bắt đầu quay trở lại trường học vào cũng là thời điểm nắng nóng trên diện rộng thì nguy cơ có thể bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Nhất là các loại bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc gần, ăn uống chung như: tay chân miệng, cảm cúm, các bệnh mũi họng…
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Nam, trẻ nhỏ cũng có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm khác trong quá trình đến trường vào những ngày nắng nóng. Có thể kể đến như:
- Các bệnh lý hô hấp: Thời tiết nắng nóng khiến cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi, họng, viêm amidan, viêm phổi. Đặc biệt, việc sử dụng máy lạnh (điều hòa) liên tục trong thời gian này càng làm cho trẻ dễ rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột, hệ thống bảo vệ đường hô hấp của trẻ vì thế cũng dễ bị “hư hỏng” hơn.
Vào những ngày nắng nóng, chỉ số tia UV ở mức cao, nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của trẻ nhỏ, về lâu dài có thể gây ung thư da.
- Bệnh tiêu hóa tấn công trẻ: Nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh. Thức ăn dễ ôi thiu, biến chất là một trong những nguyên nhân chính khiến cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu.
- Các bệnh lý về da: Việc đi lại thường xuyên giữa trời nắng nóng khiến cho nhiều trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bức xạ tia cực tím. Nguy hiểm nhất là thời điểm từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều khi chỉ số tia UV ở mức cao. Nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng ở thời gian này khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của trẻ nhỏ, về lâu dài có thể gây ung thư da. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến tuyến mồ hôi của trẻ hoạt động mạnh. Nếu không đảm bảo vệ sinh trẻ có thể mắc các bệnh viêm da, lở loét, mụn nhọt...
- Các bệnh lý khác: Bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm các loại trái cây bắt vào vụ thu hoạch, đây là cơ hội để các loại côn trùng phát triển, vì thế các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản cũng có thể tăng theo.
Nắng nóng khiến trẻ nhỏ dễ bị rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi. Nên hướng dẫn và nhắc nhở trẻ cách bù nước đúng cách
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam khuyến cáo, để tránh nguy hiểm cho trẻ trong giai đoạn thời tiết nguy hiểm này đồng thời đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi trở lại trường học, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, thực hành ăn chín uống sôi, không cho trẻ ăn thức ăn không đảm bảo an toàn bán ngoài đường, tăng cường rau củ quả, thường xuyên uống nước, bổ sung thêm các khoáng chất, vitamin…
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần cho trẻ ngủ đủ giấc, hạn chế đi lại trong thời tiết nắng nóng, nếu trẻ phải đến trường giữa trời nắng thì phải che chắn cẩn thận bằng cách mặc áo khoác, đội mũ rộng vành… Phụ huynh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tạo không gian sống thoáng mát; tập cho trẻ thói quen rửa tay, đeo khẩu trang, không đi đến chỗ đông người… vừa đề phòng dịch bệnh COVID-19 vừa có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.
“Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh không nên tự ý điều trị mà cần theo dõi triệu chứng, đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị. Và tuyệt đối không cho trẻ đến trường nếu nghi ngờ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm để đảm bảo an toàn cho trẻ khác”, bác sĩ Nam khuyến cáo.