Sâu răng ở trẻ em ngày càng phổ biến do thói quen và chế độ ăn uống chưa khoa học. Sâu răng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của bé.
Sâu răng là chứng bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
Có 3 nguyên nhân:
Thứ nhất: Bé vệ sinh răng miệng không đúng cách
Đối với trẻ nhỏ chưa thể tự mình đánh răng, hoặc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, nhưng nhiều cha mẹ không giữ thói quen vệ sinh răng miệng cho bé theo đúng quy trình, khiến cho vi khuẩn có điều kiện phát triển gây sâu răng và viêm lợi nướu ở trẻ.
Thứ 2: Do chất lượng men răng
Chất lượng men răng và ngà răng có ảnh hưởng lớn đến việc sâu răng ở trẻ. Những trẻ có chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ sâu răng hơn trẻ khác. Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống nếu không đủ canxi, kẽm cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
Thứ 3: Chế độ ăn nhiều chất đường
Một nguyên nhân khác gây sâu răng ở trẻ em là chất đường còn sót lại từ thực phẩm gây ra. Sau khi trẻ ăn kẹo hoặc những thực phẩm chứa chất đường, nếu không vệ sinh răng miệng, hoặc vệ sinh không đúng cách, vi khuẩn tác dụng lên chất đường rồi sản sinh thành axit. Axit ăn mòn men răng, ngà răng và gây bệnh sâu răng.
Các biện pháp phòng tránh bệnh sâu răng ở trẻ em
Bố mẹ có thể phòng chống sâu răng cho bé bằng cách giúp con hạn chế tiếp xúc vi khuẩn gây sâu răng.
Không nhai hoặc nếm thử thức ăn của bé: Việc cha mẹ hoặc người lớn có thói quen nhai thức ăn để mớm cho trẻ, hoặc đơn giản là nếm thử thức ăn, liếm thìa của bé đã vô tình khiến bé mắc bệnh sâu răng. Lý do là trong nước bọt của người lớn có rất nhiều vi khuẩn, trong số đó có thể chứa vi khuẩn sâu răng.
Nếu bé ở độ tuổi chưa mọc răng, mẹ vẫn phải làm sạch nướu và miệng bé hàng ngày, đặc biệt là sau khi ăn. Khi răng của trẻ bắt đầu nhú, trẻ cần được làm sạch răng bằng bàn chải mềm theo đúng lứa tuổi để loại bỏ những mảng bám.
Đối với trẻ lớn hơn, biết tự vệ sinh cá nhân, cha mẹ cũng cần giám sát để giúp trẻ đánh răng đúng cách để đảm bảo vệ sinh, tránh bệnh sâu răng ở trẻ em.
Đối với trẻ bú bình và ngậm núm vú giả, mẹ hãy đảm bảo núm vú luôn sạch và không bị bám chất ngọt như đường, mật ong… để tránh kích thích vi khuẩn gây mòn men răng của trẻ.
Chế độ ăn của bé cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt calci và các yếu tố vi lượng. Khuyến khích bé ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Mẹ nên đưa bé đi khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện, hỗ trợ điều trị sâu răng cũng như các bệnh răng miệng nếu có. Ngoài ra, khi nhận thấy trẻ có biểu hiện sâu răng, mẹ cần đưa bé đến chuyên gia y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.