Làm gì phòng chống bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Loại bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ và có nguy cơ biến chứng cao nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM): "Trẻ em mắc bệnh bạch hầu gặp biến chứng nặng hoặc tử vong chủ yếu là do khả năng miễn dịch của trẻ nhỏ chưa đủ, hơn nữa trẻ nhỏ thường không biết cách miêu tả triệu chứng bệnh vì thế thời gian phát hiện bệnh thường muộn hơn người lớn, dẫn đến việc điều trị bệnh ở giai đoạn đã muộn".
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nếu bệnh bạch hầu ở trẻ được phát hiện sớm và kịp thời thì các biến chứng sẽ không nghiêm trọng hơn so với người lớn, lúc này mức độ nguy hiểm sẽ ngang nhau.
Bệnh bạch hầu ở trẻ được phát hiện sớm và kịp thời thì các biến chứng sẽ không nghiêm trọng hơn so với người lớn.
Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu
Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tử vong vào khoảng 5-10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vaccine dự phòng. Năm 1923, vaccine giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Hiện nay, tiêm vaccine là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất. Vaccine phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vaccine phòng uốn ván và ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1.
Hiện nay, tiêm vaccine là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất.
Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
- Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.