Mẹo tắm hồ bơi an toàn với trẻ nhỏ
Với sức nóng của những ngày hè lên đến 38 - 40 độ C, trẻ em có nhu cầu bơi tắm và nô đùa trong hồ bơi , kể cả trẻ nhỏ mới biết đi. Thế nhưng thống kê cho thấy, vào mùa hè, tai nạn đuối nước ở trẻ tăng lên và với trẻ mới biết đi, do còn nhỏ, nguy cơ thường cao hơn ở bể bơi nếu người lớn lơ là.
Mẹo vui chơi và bơi an toàn trong hồ bơi
Khi ở trong hồ bơi, cha mẹ, những người chăm sóc trẻ hoặc người lớn phụ trách hồ bơi phải luôn cảnh giác. Sau đây là một số mẹo để ngăn ngừa đuối nước:
Ở cùng trong hồ bơi với trẻ mới biết đi: không để trẻ chập chững biết đi hoặc những đứa trẻ khác một mình trong hồ bơi, ngay cả khi đang ở trong hồ bơi dành cho trẻ nhỏ. Chết đuối có thể xảy ra trong hồ bơi ngay cả khi độ sâu của nước chỉ 5cm..
Giữ tầm quan sát trẻ ở mức an toàn: trẻ có thể chết đuối ngay cả trong nước cạn, chết đuối có thể xảy ra trong chưa đầy hai phút đối với trẻ. Phải chủ động giám sát trẻ mới biết đi ở khoảng cách gần để có thể hành động nhanh nếu xảy ra sự cố. Không sử dụng điện thoại khi giám sát trẻ.
Có hàng rào an toàn cho hồ bơi gia đình: Phải đảm bảo trẻ không thể vào hồ bơi mà không có người lớn giám sát. Khuyến cáo phải có hàng rào cách ly bốn mặt tách biệt hồ bơi khỏi nhà cũng như phần còn lại của sân.Các lớp học bơi thường bắt đầu khai giảng sớm và chiêu sinh vào mỗi dịp hè đến, trẻ sẽ được học bơi đúng phương pháp, giúp con thoải mái và tự tin trong nước.
Mặc áo phao cho trẻ: Nhiều cha mẹ lấy một số vật dụng và đồ chơi nổi được trong nước cho trẻ mới biết đi sử dụng trong hồ bơi, nhưng những thiết bị này không ngăn ngừa được chết đuối. Để tăng độ an toàn, nên cho trẻ mặc áo phao. Tuy nhiên,vẫn phải giám sát kỹ khi trẻ ở dưới nước.
Để tăng độ an toàn, nên cho trẻ mặc áo phao.
Đừng bỏ qua các quy tắc của hồ bơi: Không chạy, không nhảy cầu và không lặn trong nước nông là những quy tắc thường quy ở hồ bơi. Mặc dù trẻ mới biết đi không thể tham gia được vào những hoạt động này, nhưng những đứa trẻ lớn hơn có thể làm trẻ sợ hãi hoặc gây hại cho chúng. Báo với nhân viên cứu hộ nếu bạn thấy những đứa trẻ lớn hành động không an toàn cho bản thân và những đứa trẻ khác trong hồ bơi.
Tìm hiểu kỹ năng cứu sinh: Phụ huynh và những người chăm sóc trẻ nên được học các xử trí cấp cứu, để có thể cứu mạng sống của trẻ nếu sự cố xảy ra.
Các bệnh liên quan nước hồ bơi?
Theo CDC, các bệnh liên quan nước hồ bơi đã tăng lên trong 20 năm qua, lây truyền khi trẻ tiếp xúc với nước bị ô nhiễm trong hồ bơi, công viên nước và bãi biển nhân tạo. Chúng có thể gây tiêu chảy và viêm dạ dày; và chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn với lứa trẻ mới biết đi. Để giảm nguy cơ trẻ bị mắc bệnh do nước hồ bơi , cha mẹ và người chăm sóc nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
Không cho trẻ đi vệ sinh trong hồ bơi: dùng đồ bơi phù hợp là cách tốt nhất để trẻ không đi vệ sinh trong hồ bơi. Kiểm tra tã thường xuyên và đảm bảo tã sạch. Thay đổi tã ngay lập tức và tránh xa nước hồ bơi nếu con bạn đã trót đi vệ sinh vào đó.
Không cho trẻ nhỏ đang bị tiêu chảy vào bể bơi ngay cả trẻ đã đeo một chiếc tã bơi, vì chất thải trong tã có thể bị rò rỉ ra môi trường nước hồ bơi.
Ngăn ngừa trẻ nhỏ nuốt nước hồ bơi: trẻ chập chững biết đi không biết kiểm soát cách giữ hơi thở dưới nước do đó dễ bị nuốt nước hơn. Đó là một trong những nguyên nhân chính lan truyền các bệnh từ nước hồ bơi. Mặt khác, trẻ có thể thấy thích thú khi uống nước hồ bơi. Hãy cố gắng hết sức ngăn trẻ làm điều này và giúp chúng hiểu rằng nước hồ bơi là “ bẩn”, không giống trong cốc nước uống hàng ngày.
Mua test thử nghiệm nước hồ bơi để kiểm tra nồng độ chlorine và pH của hồ bơi. Theo CDC, mức clo tự do thích hợp là 1-3mg / L và pH 7,2-7,8 có thể giết mầm bệnh.
Cách ngăn ngừa cháy nắng, mất nước và bệnh liên quan đến nhiệt
Ánh nắng mặt trời có thể gây khó chịu, thậm chí nguy hiểm như da bị cháy nắng, kiệt sức do nhiệt, đột quỵ do nhiệt và mất nước. Trẻ mới biết đi không thể tự mô tả sự khó chịu hoặc đau đớn, vì vậy cha mẹ cần thực hiện các bước sau để trẻ tránh được những rối loạn do nhiệt độ và độ ẩm cao.
Nhận biết các dấu hiệu của kiệt sức vì nóng: khát nước nhiều, yếu ớt, ngất xỉu hoặc chóng mặt, chuột rút, buồn nôn, đau đầu, tăng tiết mồ hôi, da bị dính, hoặc tăng nhiệt độ cơ thể. Ở trẻ mới biết đi những dấu hiệu này không rõ ràng, nhưng kiệt sức do nhiệt có thể nhanh chóng tiến triển đến đột quỵ do nhiệt. Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu kiệt sức do nhiệt, ngay lập tức đưa trẻ vào nơi mát lạnh, bỏ bớt quần áo và bù nước. Nếu trẻ có các triệu chứng: đau đầu dữ dội, mất ý thức, lú lẫn, thở nhanh, nhiệt độ cao hoặc da nóng, đỏ ửng, khô, cần cấp cứu y tế.
Giữ cho trẻ uống đủ nước: Mang theo nước mát cùng với ly nước cỡ nhỏ dành cho trẻ mới biết đi. Theo dõi lượng nước mà bé uống và nhắc nhở chúng uống nước mỗi 20 phút. Uống nhiều nước giúp giữ cho hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể hoạt động hiệu quả.
Cho trẻ đội mũ, đeo kính râm : tốt nhất là mũ rộng vành, vừa bảo vệ khỏi tia cực tím vừa dễ quan sát trẻ, cũng như che chắn khi bé mới ra khỏi nước.
Cho trẻ đội mũ, đeo kính râm, tốt nhất là mũ rộng vành
Tuyệt đối không bơi vào buổi trưa: tránh bơi vào khoảng thời gian mặt trời chiếu sáng mạnh nhất là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Trẻ bơi sớm hoặc muộn hơn sẽ tránh bị cháy nắng và các tình trạng liên quan đến nhiệt khác rất có thể xảy ra.