Nghỉ học dài, cần chú ý gì về chế độ dinh dưỡng của bé?
Trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, các phụ huynh cần quan tâm tới bữa ăn của con để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho các bé trong mùa dịch.
Việc trẻ không tới trường trong một thời gian dài khiến các phụ huynh cần lưu tâm hơn tới chế độ dinh dưỡng, đảm bảo các em có đủ sức đề kháng trong mùa dịch.
Hạn chế mua đồ ăn sẵn, đồ ăn ngoài
Nhiều bố mẹ do bận bịu với công việc, không có thời gian chăm sóc cho con em nên thường xuyên tìm mua về cho trẻ đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp hoặc đồ ăn ngoài hàng quán. Đây đều là các loại đồ ăn không có lợi cho sức khỏe và không đảm bảo an toàn vệ sinh trong mùa dịch.
Theo News-medical, ăn nhiều đồ ăn nhanh sẽ dẫn tới các vấn đề lâu dài về sức khỏe như béo phì, gây rối loạn tiêu hóa, loãng xương hoặc sâu răng. Loại thực phẩm này cũng thiếu các loại vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch như A và C, cùng các khoáng chất cần thiết như magiê, canxi.
Trong trường hợp không thể đủ thời gian để chuẩn bị cơm cho con, cha mẹ có thể làm đồ ăn trước khi đi làm sau đó hâm nóng lại cho trẻ.
Với thực phẩm đóng hộp, mặc dù cực kỳ hiếm gặp, nhưng nếu không được chế biến đúng cách, nó có thể chứa Clostridium botulinum - loại vi khuẩn tiết ra độc tố rất mạnh, gây bệnh cấp tính nặng, làm phá huỷ thần kinh trung ương và có thể gây tử vong.
Chuẩn bị đồ ăn trước và hâm nóng lại khi đến bữa
Trong trường hợp không thể đủ thời gian để chuẩn bị cơm cho con, cha mẹ có thể làm đồ ăn trước khi đi làm sau đó hâm nóng lại cho trẻ. Cách làm này vừa đảm bảo vệ sinh và cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, khi hâm nóng đồ ăn, bố mẹ cần lưu ý về cách chế biến vì một số thực phẩm sẽ mất đi chất dinh dưỡng hoặc gây ngộ độc trong quá trình này.
Một số mẹo nhỏ để thức ăn giữ được nguyên hương vị ban đầu sau khi hâm lại
- Với thịt hoặc rau có thể cho thêm một ít nước hoặc dầu ô liu để món ăn được mềm hơn, theo Insider.
- Với cơm, nên thêm một cốc nhỏ nước để giúp bù nước.
- Với các loại thức ăn chế biến từ gia cầm và hải sản, có thể dùng vỉ hấp và hấp cách thủy hoặc thêm một chút gừng vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa tốt cho dạ dày.
Tuy nhiên, một số loại đồ ăn tuyệt đối không được nấu lại như khoai tây, nấm, gà, trứng, rau chân vịt, củ cải trắng. Ví dụ khi nấu lại nấm, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong nó sẽ biến thành các chất độc có hại cho dạ dày. Thịt gà rất giàu protein nhưng nếu đun lại sẽ khiến protein biến tính hoặc phân hủy gây hại cho hệ tiêu hóa. Nếu đun lại khoai tây trong lò vi sinh, các chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi và sản sinh ra các chất độc hại có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Khi chuẩn bị đồ ăn cho các các con, bố mẹ cũng không nên chuyên biệt một loại thực phẩm bất kỳ. Không nên cho rằng chỉ vitamin C mới giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ mà phải bổ sung đầy đủ cho các bé vitamin A, E, D. Cũng tránh lối suy nghĩ rằng chỉ có cam mới chứa vitamin C. Thực tế có rất nhiều loại hoa quả như ổi, dâu tây, đu đủ hay rau củ như súp lơ, cải xanh chứa loại vitamin này.
Cần thường xuyên đổi món, thay đổi thực đơn để kích thích ham muốn ăn uống của trẻ.