Xử trí khi trẻ mắc Covid-19 co giật do sốt cao
Tỷ lệ co giật do sốt cao ở trẻ là khoảng 2 - 5%. Tình trạng này thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi.
Nguyên nhân co giật
Hiện nay, số trẻ em mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng. Đa số trẻ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ tại nhà cũng khiến không ít bố mẹ cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, không ít trẻ sốt cao liên tục khi mắc Covid-19. Nếu không biết cách xử trí, sốt cao kéo dài có thể khiến trẻ co giật.
Theo bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, Bệnh viện Quân y 103, hiện là thành viên Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0, các cơn co giật có thể xảy ra khi sốt trên 38 độ C ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy trẻ nhiễm trùng thần kinh trung ương hay rối loạn chuyển hóa cấp tính. Trước đó, trẻ không co giật khi không sốt.
Dựa trên các nghiên cứu khác nhau, bác sĩ Cường cho biết, tỷ lệ co giật do sốt cao ở trẻ là khoảng 2 - 5%. Tình trạng này thường xuất hiện chủ yếu ở trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi. Đặc biệt,
bé trai có xu hướng dễ co giật khi sốt hơn bé gái. Tình trạng này cũng xuất hiện phổ biến hơn vào mùa đông xuân thay vì hè.
Lý giải về việc tại sao trẻ hay bị co giật khi sốt cao, bác sĩ Cường chia sẻ, trước hết, đó là do hệ thần kinh của trẻ chưa trưởng thành. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao đột ngột cũng khiến hệ thần kinh không kịp thích ứng. Các yếu tố thúc đẩy khác cũng là nguyên nhân góp phần gây ra co giật ở trẻ sốt cao.
Theo chuyên gia này, có một số nhóm trẻ hay bị sốt cao co giật. Trong đó, bao gồm những trẻ tăng thân nhiệt nhanh và khó kiểm soát, thường chủ yếu trên 39 độ C (khoảng 25% là 38 - 39 độ C).
Trẻ cũng gặp nguy cơ nếu có anh, chị, em hay bố mẹ bị sốt cao co giật trước đó, hoặc mẹ hút thuốc/hít khói thuốc của người khác. Bác sĩ Cường cho biết, một số vắc-xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng có thể là nguyên nhân gây sốt cao co giật ở trẻ.
Phân loại co giật do sốt
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em, Bộ Y tế cho biết, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hoá (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Bệnh nhi mắc Covid-19 thường ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Hầu hết trẻ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi hoặc viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 - 2 tuần.
Chuyên gia này cho biết, có thể phân biệt giữa co giật do sốt đơn thuần và co giật do sốt phức hợp. Đối với co giật do sốt đơn thuần, trẻ thường có cơn giật toàn thể, kéo dài dưới 15 phút. Thông thường, trẻ sẽ co giật 1 lần/ngày. Trong khi đó, trẻ bị co giật do sốt phức hợp có nguy cơ dễ tái phát tình trạng này.
Thậm chí, trong tương lai, trẻ có thể co giật không do sốt. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm: Cơn giật cục bộ (một tay hoặc một bên cơ thể), kéo dài trên 15 phút. Trẻ cũng sẽ trải qua 2 cơn giật hoặc nhiều hơn trong 24 giờ.
Để xử trí cơn co giật tại nhà, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng sang 1 bên, ở vị trí an toàn nhất (tránh ổ điện, nước nóng, thông thoáng, dễ cấp cứu…), tránh đông người (thiếu oxy).
Lưu ý không cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ (vì làm gẫy răng, chảy máu lợi). Phụ huynh có thể dùng gạc, vải, khăn mềm để tránh cắn lưỡi (không đưa ngón tay vào). Đồng thời, nới rộng quần áo, chỗ thoáng, không tụ tập đông người.
Sau đó, cha mẹ có thể dùng hạ sốt efferagal đường đặt hậu môn (không cho uống khi co giật). Đồng thời, ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ. Trong trường hợp cơn giật kéo dài đến 5 phút, cần được hướng dẫn bởi bác sĩ. Phụ huynh có thể hạ sốt cho trẻ khi con bắt đầu sốt từ 38 độ C.
Sau đó, cho trẻ dùng thuốc dự phòng co giật Diazepam. Chuyên gia này khuyến cáo, phụ huynh cần đưa con tới bệnh viện khi cơn co giật kéo dài quá 10 phút. Hoặc, sau co giật, trẻ thường mệt và ngủ ít hơn 30 phút. Trẻ có cơn co giật nhiều hoặc co giật cục bộ cũng cần được đưa tới viện.