Không chỉ theo dõi sát sao lịch tiêm, phụ huynh cần nắm được kiến thức cơ bản trước khi đưa con đi tiêm chủng.
Việc tiêm chủng cho trẻ không chỉ giúp con phòng tránh được những căn bệnh cần thiết mà còn ngăn ngừa sự lây truyền bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước khi đưa bé đi tiêm, cha mẹ nên quan tâm đến một số chú ý để việc tiêm chủng được thuận lợi và hiệu quả.
Trong hội thảo truyền thông về một số loại vắc xin mới sẽ triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 do bộ Y tế tổ chức tại phía Nam, bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, tác dụng của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch phòng bệnh chủ động.
Thành phần chính trong vắc xin là kháng nguyên và các thành phần khác như tá dược để tăng cường mức độ hoặc thời gian đáp ứng miễn dịch; khánh sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn... Tất cả có thể gây phản ứng nếu cá thể dị ứng với những thành phần trên.
Trước khi đưa con đi tiêm chủng, phụ huynh cần chuẩn bị hồ sơ, phiếu tiêm chủng, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, tiền sử việc sử dụng thuốc của trẻ (nếu có), phản ứng sau tiêm chủng lần thứ nhất.
Cha mẹ đừng quên mang theo sổ tiêm chủng của con. (Ảnh: ytevietnam) |
Trao đổi với VTV, Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho biết, khi đưa trẻ đi tiêm phòng tại các điểm tiêm đều có cán bộ tư vấn và bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm chủng, nếu trẻ không đủ các điều kiện về sức khỏe, trẻ sẽ được hoãn tiêm. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về việc tiêm phòng cho trẻ.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng hướng dẫn, trước khi tiêm phòng, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ ăn hoặc bú quá no, nhưng cũng không để trẻ đói nhằm tránh tình trạng bị hạ đường huyết sau khi tiêm. Để việc tiêm phòng cho trẻ được an toàn, hiệu quả, cha mẹ cần vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, trẻ nên mặc trang phục đơn giản để giúp các bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo bó chặt, ủ ấm quá nhiều.
Đồng thời, cha mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng cho trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử sinh đẻ, bệnh tật, dị ứng thuốc, hóa chất và dị ứng thức ăn nhằm giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm.
Đặc biệt, cần lưu ý các phản ứng mạnh trong lần tiêm trước, như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban… để cán bộ y tế có thể cân nhắc trước khi tiêm và hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết.
Theo khuyến cáo của Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các ông bố bà mẹ nên đề nghị để cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.