Suy dinh dưỡng ở trẻ em là một bệnh
thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ sau này,
do vậy các bà mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu để biết cách
phát hiện, dự phòng và chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần so với sự phát triển bình thường theo tuổi của trẻ do thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết. Để phát hiện trẻ có suy dinh dưỡng hay không, đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng đánh giá cân nặng của trẻ theo độ tuổi. Biểu đồ tăng trưởng được đính kèm trong sổ theo dõi sức khỏe trẻ em, cấp cho mỗi trẻ sau sinh và dùng cho đến 6 tuổi.
Hàng tháng trẻ sẽ được cân đo, ghi nhận cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tuổi. Trẻ được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu không tăng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường biểu diễn cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang. Nếu đường biểu diễn cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ là trẻ có suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên để đánh giá dinh dưỡng toàn diện cần có ít nhất 3 chỉ số: cân nặng theo tuổi; chiều cao theo tuổi; tỉ số cân nặng/chiều cao. Các chỉ số này sẽ được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng NCHS được Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo áp dụng ở những nước đang phát triển. Trẻ suy dinh dưỡng có thể thuộc một trong các thể lâm sàng sau:
– Suy dinh dưỡng cấp: Chỉ số chiều cao theo tuổi bình thường, nhưng tỉ số cân nặng/chiều cao thấp hơn -2SD, thể hiện suy dinh dưỡng mới diễn ra, và chế độ ăn hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu. Nếu bổ xung dinh dưỡng kịp thời để trẻ trở lại cân nặng bình thường so với lứa tuổi thì sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
– Suy dinh dưỡng mạn đã phục hồi: Chiều cao theo tuổi thấp hơn -2SD nhưng cân nặng theo chiều cao bình thường. Phản ảnh sự thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong một thời gian dài, nặng và sớm vì đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc của trẻ. Nhưng tình trạng dinh dưỡng hiện đã phục hồi, ở những đối tượng này cần cẩn thận với nguy cơ béo phì vì chiều cao thấp.
– Suy dinh dưỡng mạn tiến triển: Chiều cao theo tuổi thấp hơn -2SD và tỉ số cân nặng/chiều cao cũng thấp hơn -2SD chứng tỏ tình trạng thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong quá khứ và tiếp tục tiến triển đến hiện nay. Những trẻ này sẽ bị ảnh hưởng đến tầm vóc thấp bé khi trưởng thành.
– Suy dinh dưỡng bào thai: Đánh giá dựa vào cân nặng khi sinh nhỏ hơn 2500g, chiều dài nhỏ hơn 48cm và vòng đầu nhỏ hơn 35cm.
Có 3 mức độ suy dinh dưỡng: Nhẹ, vừa và nặng. Tất cả các loại suy dinh dưỡng kể trên, khi có một chỉ số thấp hơn -2SD là suy dinh dưỡng nhẹ, thấp hơn -3SD là suy dinh dưỡng vừa, thấp hơn -4SD là suy dinh dưỡng nặng. Đối với suy dinh dưỡng bào thai, chỉ giảm cân nặng là suy dinh dưỡng nhẹ, giảm cân nặng và chiều cao là suy dinh dưỡng vừa, giảm cả ba chỉ số: cân nặng, chiều cao, vòng đầu là suy dinh dưỡng nặng.
Trẻ suy dinh dưỡng thường có các biểu hiện: Chậm tăng cân hoặc không tăng liên tục trong hai đến ba tháng, chậm tăng chiều cao hoặc không tăng liên tục trong hai đến ba tháng, biếng ăn hoặc ăn ít, kém hoạt bát, hay quấy khóc, chậm biết đi, chậm mọc răng, khó ngủ, hay bị giật mình khi ngủ, cơ nhão, không săn chắc, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, da xanh… Những trẻ có nguy cơ cao mắc suy dinh dưỡng là: trẻ đẻ non, trẻ cai sữa sớm hoặc bú ngoài chứ không được bú sữa mẹ, ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn dặm nghèo nàn về dinh dưỡng, biếng ăn hoặc ăn quá ít so với nhu cầu dinh dưỡng và hoạt động thể chất trong một ngày. Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy .… đặc biệt là những trẻ không bú sữa mẹ thìkhả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Vì bị bệnh nên trẻ ăn kém, phải dùng thuốc kháng sinh có thể làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, khó tiêu hóa và hấp thu được chất dinh dưỡng.
Để dự phòng suy dinh dưỡng cho trẻ các bậc cha mẹ cần lưu ý: Với bà mẹ mang thai cần ǎn uống đủ chất dinh dưỡng để đạt mức tǎng cân 10 – 12 kg trong thời gian mang thai. Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài đến 18 – 24 tháng tuổi. Sữa mẹ không những cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn cung cấp các kháng thể chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ không mắc các bệnh nhiễm trùng. Cho trẻ ăn dặm từ 4 – 6 tháng tuổi, cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng (Glucid, Lipid, Protein, Vitamin). Cần chotrẻ ǎn nhiều bữa trong ngày. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chọn thực phẩm tươi, hạn chế cho trẻ dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đảm bảo ăn chín uống sôi. Tiêm phòng đầy đủ, dự phòng và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng. Khi trẻ trên 2 tuổi, định kỳ sáu tháng tẩy giun cho trẻ một lần.
Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng (phát hiện sớm suy dinh dưỡng bằng theo dõi biểu đồ cân nặng của trẻ), cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Sưu tầm.