Mỗi nhà trường là pháo đài đấu tranh loại bỏ nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em.
Vấn nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em hiện đang ngày càng nhức nhối hơn bao giờ hết. Liên tiếp các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em gần đây cho thấy tính chất đã đến mức nghiêm trọng, thực sự báo động trong xã hội, đang rất cần sự vào cuộc chung tay của cả cộng đồng, nhất là đối với mỗi nhà trường - đây chính là những “pháo đài” để đấu tranh loại bỏ nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em.
Những con số đau lòng
Mặc dù nước ta là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Đặc biệt trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách thực hiện các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh và phát triển toàn diện… Thế nhưng hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra từ 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Đáng nói hơn đó là, gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em ở chính những cơ sở giáo dục.
Cần chung tay vào cuộc để trẻ em có môi trường sống an toàn
Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em đã chính thức có hiệu lực, đây là bộ luật được quy định rất rõ các quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), từ khi phát hiện các vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan tới trẻ em...
Những quy định này là công cụ hữu hiệu không chỉ để các đơn vị chức năng sẽ nắm được công việc cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo tính tự giác trong việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra, mà còn giúp giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em.
Vì thế đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cả xã hội, cộng đồng cùng thực hiện trách nhiệm các biện pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thế nên ngay từ lúc này đối với mỗi nhà trường cần là những “pháo đài” để tuyên chiến loại bỏ nạn bạo hành trẻ em.
Trong đó một công việc rất cần phải thực hiện ngay lúc này là triển khai nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 về việc tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT về đạo đức nhà giáo; các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị. tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Nhất là việc tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; triển khai thực hiện Nghị định số 80 của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục triển khai các hoạt động của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Đồng thời phối hợp với các địa phương, ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về việc quản lý cấp phép và việc thực hiện các điều kiện đảm bảo trường học an toàn trường học.