Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được tổ chức trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Đặc biệt, cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp,khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố bất ổn mới. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (Vừa được bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (vừa được bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 đã và đang đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp - Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cuộc bầu cử có ý nghĩa trọng đại:
- Là ngày hội lớn của toàn dân thực hiện cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan quyền lực nhà nước địa phương.
- Là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước và của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2021, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Là sự thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, tính nhân dân sâu sắc của Nhà nước ta thông qua mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhân dân với Nhà nước mà việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trực tiếp biểu hiện.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta:
- Phổ thông
(hay còn gọi là phổ thông đầu phiếu), là nguyên tắc nhằm đảm bảo để công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân trong ngày bầu cử: Ngày bầu cử là ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 2021, được ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử; các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức có liên quan; việc bỏ phiếu bắt đầu từ 07 giờ sáng đến 19 giờ trong ngày; công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri; danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử; danh sách những người ứng cử cũng được niêm yết công khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa chọn; việc kiểm phiếu được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
- Bình đẳng là nguyên tăc nhằm bảo đảm để tất cả công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử; thể hiện trên các điểm sau: Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử, tự ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.
- Trực tiếp là nguyên tắc bảo đảm cho cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình
qua phiếu bầu, trực tiếp bầu ra đại biểu của mình mà không qua một cấp đại diện cử tri;
- Bỏ phiếu kín là nguyên tắc nhằm đảm bảo khách quan trong việc lựa chọn
của cử tri. Phiếu bầu của cử tri được bảo đảm bí mật, khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri; cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào thùng phiếu.
- Nguyên tắc bỏ phiếu:
+ Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp hội đồng nhân dân.
+ Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
+ Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào thùng phiếu.
+ Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thi tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà các nơi này không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
+ Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.
+ Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.
+ Khi cử tri bỏ phiếu xong, tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
+ Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công sẽ là một thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Để góp phần vào thắng lợi đó cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hà Nội phải ra sức chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử, nhất là thực hiện tốt quyền của công dân, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành thực sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân./.