HOẠT ĐỘNG CHO TRẺ LÀM QUEN VỚI TOÁN
Đề tài: Nhận biết phân biệt hình vuông, hình chữ nhật
Toán học góp phần phát triển toàn diện cho trẻ: Phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần hình thành khả năng nhận thức thế giới xung quanh, rèn luyện các thao tác tư duy, phát triển thúc đẩy các quá trình tâm lý của trẻ.
Hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mầm non là quá trình hình thành ở trẻ những kiến thức sơ đẳng về tập hợp, con số, phép đếm, kích thước, hình dạng của các vật, khả năng định hướng không gian, thời gian và mối quan hệ giữa các đại lượng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của cô giáo.
Đặc điểm nhận thức của trẻ là nhận thức bằng cảm tính, tư duy trực quan hình tượng là chủ yếu, vì vậy trẻ nhận biết các biểu tượng sơ đẳng về toán thông qua hoạt động và nhờ vào sự tham gia của các giác quan: Mắt nhìn, tai nghe, tay cầm, nắm để nhận xét, giải thích. Qua hoạt động, các giác quan của trẻ được huy động để nhận biết, làm thử, so sánh, phân biệt.
Chính vì vậy các cô giáo luôn đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giúp trẻ hứng thú và say sưa tìm hiểu bài học qua các câu hỏi gợi mở, đồ dùng trực quan sinh động và những trò chơi học tập hấp dẫn.
Trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cô và trò lớp mẫu giáo nhỡ B3 đã tham gia hoạt động “Nhận biết phân biệt hình vuông, hình chữ nhật”. Giờ hoạt động được tổ chức theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện tối đa cho trẻ trải nghiệm tự tìm hiểu, nêu ý kiến về đặc điểm, tính chất của hình vuông và hình chữ nhật đã nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo.
Sau đây là một số hình ảnh của hoạt động: