CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN
Biển Việt Nam có diện tích khoảng 3.447.000km2, có độ sâu trung bình -1140m, nơi sâu nhất 5416m, thềm lục địa có độ sâu chưa đến 200m chiếm tới 50%.
Tài nguyên của biển rất đa dạng, phong phú như một kho chứa hoá chất vô tận trong nước, dưới đáy biển, trong lòng đất, trong đó nhiên liệu hoá thạch chủ yếu là dầu và khí, nước biển chứa một kho muối khổng lồ, iốt, nước khoáng, hơn 60 nguyên tố hoá học khác nhau.
Biển còn có nguồn năng lượng sạch có thể khai thác được như gió, nước, nhiệt độ nước biển, các dòng hải lưu. Nguồn sinh vật rất lớn, đủ các loài động, thực vật, vi sinh vật. Trữ lượng hải sản ở biển Đông thuộc vùng biển nước ta có thể khai thác trên 1 triệu tấn năm. Nhưng biển đang ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng, đó là một thực tế.
Không ai nghi ngờ lợi ích to lớn của kinh tế biển, góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.Nhưng muốn khai thác tiềm năng của biển theo những mục tiêu chiến lược biển Việt Nam chúng ta phải bảo vệ biển, bới hàng ngày biển đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng từ những hoạt động vô ý thức và có ý thức của con người. Mội trường biển đang kêu cứu.
Nước từ những con suối, lạch sông đổ ra sông lớn rồi đổ ra biển. Nước ta đã có gần chục con sông “chết”, điển hình như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ... Các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông mang ra biển như dầu thải, nước thải chưa xử lý, hoá chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, thuốc súng,chất phóng xạ, các chất thải rắn như đất cát, rác, phế thải vật liệu xây dựng. Tất cả đổ ra biển.
Có những loại không phân huỷ được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân huỷ thì hoà tan trong toàn khối nước biển. Những công trình trên biển ngày càng mọc thêm nhiều. Sự khan hiếm tài nguyên trên lục địa nên con người đi ra biển để khai khoáng, đóng tàu, khai thác dầu, khí... những hoạt động ấy đều có tác động đến môi trường. Việc gia công xây lắp các công trình giàn khoan, các phương tiện vận chuyển, vật liệu thải loại khi xây lắp công trình tất cả tác động mạnh đến hệ sinh thái biển, chất lượng nước biển, trầm tích biển.
Hầu hết các công trình cảng và hoạt động của cảng đều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, như mất các nơi sinh cư do lấy đất xây dựng, ô nhiễm nước, đất, không khí, tiếng ồn... trong khu vực cảng và phụ cận. Các công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu biển, các công trình đảm bảo du lịch, và rất nhiều các hoạt động khác đều tác động xấu đến môi trường tự nhiên của biển.
Để bảo vệ môi trường biển, mỗi chúng ta nên sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên. Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái.
Mặt khác để giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển, cần chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn Đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường liên quan tới quy định các hành vi huỷ hoại môi trường bị nghiêm cấm. Quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan và quản lý không gian biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo nhằm đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển thông qua các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cưỡng chế thực thi chủ yếu như tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo. Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp.
Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.
Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là vấn đề sống còn và cấp bách vì môi trường ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến đời sống, sản xuất, sự phát triển tồn tại của từng quốc gia, dân tộc. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xem kinh tế biển là mũi nhọn,chúng ta cần coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển ở một tầm nhìn mới, vì đầu tư cho môi trường chính là đầu tư cho tương lai.