Muốn con trở thành người tự lập, có chính kiến thì mẹ hãy thay đổi 3 điều sau đây
Tự lập có lẽ là một đức tính mà bất cứ bố mẹ nào cũng muốn trang bị cho con để khi trưởng thành con có thể tự lo cho bản thân mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ. Nhưng không phải đợi đến khi trẻ 10-12 tuổi mới bắt đầu để ý đến điều đó mà hãy tập cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt khi ngày càng nhiều gia đình có nhu cầu cho con đi du học sớm từ cấp 2 bạn lại càng phải lưu tâm tới điều này. Những gợi ý sau đây hy vọng có thể giúp ích cho bạn.
1. Hãy là một người mẹ lười biếng
Hãy là một người mẹ lười biếng để có một đứa con tự lập. Nghe thì có vẻ dễ nhưng để thực hiện được điều đó cũng cần sự quyết tâm, sự kiên trì, sự bao dung và đặc biệt là hiểu tính cách riêng của từng trẻ. Bạn cần sự kiên trì vì khi trẻ làm sẽ không thể nhanh như bạn làm được, nếu bạn mặc áo cho con chỉ 30 giây là xong, con bạn sẽ mất 3-5 phút là nhanh. Bạn cần sự quyết tâm để đợi con chứ không làm thay con. Bạn cần sự bao dung để lỡ con có làm vung vãi cơm ra nhà khi tập ăn bạn sẽ không trách mắng con mà coi đó là điều hiển nhiên, làm sao mới chỉ 1,2 lần con đã hoàn thiện các kỹ năng được.
Tất nhiên, bạn cũng cần phải dạy trẻ chi tiết mọi việc, và lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ bắt chước và làm theo. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ trong sinh hoạt gia đình như tự xúc ăn, tự đánh răng, tự mặc quần áo… Khi con đến độ tuổi đi học bạn hãy hướng dẫn con cách tự chuẩn bị đồ đến trường, tự mang ba lô... Ngoài những việc phục vụ bản thân trẻ, bạn cũng nên khéo léo “kéo” con vào việc nhà phù hợp với khả năng của con. Chẳng hạn như cùng bạn phơi quần áo, gấp quần áo, dọn dẹp bát đũa sau khi ăn xong, tưới cây… Sau mỗi lần như vậy hãy khen ngợi và động viên con để con thấy mình là một người có ích nhé!
2. Hãy để trẻ được phạm lỗi
Ai lên khôn chẳng dại đôi lần, có lẽ với trẻ để thành thục một kỹ năng số lần thử không phải là 2 mà phải 20-30 lần. Với trẻ khi nền tảng kiến thức còn mỏng, phạm lỗi là điều tất yếu xảy ra, bạn đừng quá căng thẳng mà hãy coi đó là một điều kết sức bình thường. Bạn muốn con tự xúc ăn, hãy cho trẻ được làm rơi vãi thức ăn ra nhà. Bạn muốn con tự mang giầy dép, hãy cho trẻ được mang dép trái. Bạn muốn con dọn bát sau khi ăn, hãy cho trẻ được đánh vỡ bát một vài lần. Bạn muốn con chuẩn bị đồ đi học, hãy cho trẻ được đôi khi quên mang cái này, quên mang cái kia.
Chuyện mắc lỗi ở trẻ nhỏ là một điều hết sức bình thường bởi độ tỉ mỉ mà một người làm việc gì đó có liên quan đến độ thành thục, nên sai sót là tất yếu khi mới bắt đầu thực hành. Nhưng chỉ cần môi trường bình thường để trẻ phát triển, bố mẹ không can thiệp nhiều dần dần trẻ sẽ làm tốt hơn. Bạn tưởng tượng giống như việc tập đi, mới đầu con còn ngã, còn đi xiêu vẹo nhưng trẻ hoàn toàn không cần sự can thiệp của bạn để sửa. Nếu bạn không coi vấn đề trẻ ngã là vấn đề thì sẽ không thành vấn đề, nhưng nếu bạn coi đó là vấn đề, nắn chỉnh trẻ, tự nhiên trẻ sẽ có tâm lý bối rối mỗi lần tập đi và tất yếu sẽ ngã nhiều hơn, lâu biết đi hơn. Vì vậy, với bất kỳ việc gì trẻ làm, bạn cũng hãy cho phép trẻ được mắc lỗi, được “thử - sai” để trẻ được hoàn thiện và dần tự lập hơn.
3. Hãy cho trẻ là một thành viên trong gia đình
Là một thành viên trong gia đình ngoài việc tham gia vào việc nhà bạn cũng hãy cho trẻ được quyền tự quyết định một số việc liên quan đến trẻ. Hãy để trẻ tự quyết định lượng thức ăn, món ăn mà con sẽ ăn. Hãy để trẻ tự chọn quần áo, đồ chơi, giày dép, sách mà trẻ muốn, nếu bạn thấy không phù hợp cũng hãy giải thích để con lựa chọn nên và không nên chứ đừng ép con phải theo ý mình. Nếu bạn ép con dần dần con sẽ ỷ nại vào bạn khiến trẻ không có lập trường chứ chưa nói đến tính tự lập.
Bên cạnh đó, những việc lớn hơn như chọn trường cho con, bạn cũng hãy tham khảo ý kiến của con, cùng con đi tham quan trường và lựa chọn. Đây cũng là cách để con biết chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ngoài ra, vì là thành viên trong gia đình nên khi bạn mua sắm hay thay đổi thiết bị trong nhà, cũng nên cho con theo để con cùng được lựa chọn, quyết định. Hãy tôn trọng trẻ như bất cứ thành viên nào khác trong gia đình.