Hiện nay tình hình bệnh dịch tả Châu Phi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp sau dịch lở mồm long móng. Rất nhiều gia đình, người tiêu dùng đã mạnh tay loại bỏ món ăn mà đa số người dân Việt ưa thích đó là thịt lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Điều này là không cần thiết.
Bệnh được phát hiện năm 1921 ở Châu Phi. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Dịch có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh, bệnh không lây qua đường không khí, bệnh chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa heo bệnh và heo khỏe mạnh, giữa người tiếp xúc heo bệnh sau đó chăm heo khỏe làm cho heo khỏe bị bệnh. Virut ASFV chỉ bám vào quần áo, ủng, găng tay và các dụng cụ chăn nuôi chứ không hề lây truyền bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh, hãy yên tâm chọn thịt heo cho bữa ăn chính trong gia đình.
Nhiều nguồn tin khiến người tiêu dùng hoang mang khi lựa chọn thịt lợn trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình. Điều này là không cần thiết vì chúng ta có thể phân biệt thịt lợn ốm và thịt heo khỏe thông qua một số tiêu chí như: Da sau khi cạo lông trắng sạch, không có các vết tụ máu lấm tấm như muỗi đốt hoặc các nốt hoại tử (thâm thối) dưới da to như đầu đũa, hoặc to hơn. Đối với miếng thịt đã lọc da để ý màu thịt phải đỏ hồng và tươi, dùng tay ấn vào miếng thịt có độ đàn hồi: Ấn xuống thịt lõm vào và trở về ngay như lúc ban đầu là được. Nếu ấn thấy thịt cứng có thể bị ngâm hóa chất bảo quản hoặc nhão quá có thể heo được nuôi bằng chất kích tăng trọng. Khi sờ vào miếng thịt không dính tay, có cảm giác hơi ẩm vì trong thịt cũng có thành phần là nước. Thịt đổi màu có thể là thịt để lâu bảo quản không tốt hoặc thịt heo ốm, chất lượng thịt đã bị thay đổi nếu sử dụng có thể gây hại cho sức khỏe. Thịt lợn nuôi bằng các chất kích thích tăng trọng thì thịt thường nhão và cũng chảy nhiều nước nên người bán thường sử dụng nhiều vải thấm hút để lau, đặc biệt thu hút là con nhặng đến nhiều. Thịt không bị xuất huyết ở các lớp cơ, lớp mỡ hoặc có các dị vật màu trắng to như hạt gạo. Mỡ có các vết xuất huyết hoặc chuyển màu vàng hoặc màu khác có thể là lợn bị bệnh. Miếng thịt không có mùi khét, tanh hôi hay mùi thuốc kháng sinh thì các bàn nội chợ hãy yên tâm lựa chọn. Khi luộc thịt lên có mùi hôi khó chịu thì tốt nhất không nên dùng. Ngoài việc phân biệt thịt heo ốm với thịt heo khỏe; thịt heo sạch với thịt heo không sạch thì người tiêu dùng nên chú ý về nguồn gốc thịt heo tại nơi mình hay mua về dùng có dấu đã kiểm dịch hay không có? Có uy tín bán hàng hay không?
Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc (FAO) lưu ý, việc kiểm soát của dịch tả lợn châu Phi là vô cùng khó khăn, do virus gây bệnh này có thể tồn tại trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết rất lạnh và rất nóng, ngay cả trong các sản phẩm thịt lợn sấy khô hoặc đã giết mổ; người nuôi lợn cần khai báo bất kỳ trường hợp đáng ngờ nào mắc dịch tả lợn châu Phi (lợn chết hoặc còn sống) cho cơ quan thú y vì đặc điểm của dịch là không chết cả đàn, mà chết từ từ; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh khu chăn nuôi và tại các chợ như thường xuyên, không vận chuyển lợn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn ra, vào vùng có dịch. Tìm hiểu được những thông tin này, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, không tẩy chay thịt lợn sạch để không làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn cho gia đình.