Hiện nay, việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần quá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Mặc dù đem lại sự tiện lợi, giá thành rẻ, nhưng việc sử dụng các sản phẩm này ngày càng nhiều đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.
1. Tác hại tới sức khỏe con người khi sử dụng:
Túi ni lông, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như: chất hoá dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khoẻ con người.
Bisphenol-A (BPA) là một hoá chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, đồ chơi… Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học và Cơ quan Quốc tế nghiên cứu về ung thư cho thấy, BPA là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao, ngoài ra BPA còn có tác động làm não chậm phát triển, gây rối loạn nội tiết, vô sinh..
2. Đốt rác thải nhựa, ni lông gây nguy hiểm tới sức khoẻ cộng đồng:
Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng khiến lượng rác thải nhựa, túi ni lông thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi ni lông còn rất phổ biến. Khi được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá... Đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư khi phơi nhiễm thường xuyên.
3. Tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái:
Túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chỉ sử dụng thời gian rất ngắn rồi vứt bỏ, nhưng các sản phẩm này có đặc tính lâu phân huỷ thì tác hại của nó lại vô cùng lớn không chỉ với sức khoẻ con người mà còn với môi trường, hệ sinh thái trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu thì phải mất từ 500 - 1000 năm túi ni lông mới bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, gần 1/3 số túi ni lông rác thải mỗi ngày không được thu gom, xử lý. Hậu quả là rác thải nhựa, túi ni lông có mặt ở khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển.
4. Các biện pháp hạn chế tác hại của rác thải nhựa:
• Hạn chế tối đa, tiến tới không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
• Sử dụng sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân hủy trong môi trường như giấy, tre, nứa, cói...
• Khi đi mua hàng hoặc đi chợ nên mang theo làn, giỏ, túi, hộp đựng thực phẩm... hoặc sử dụng giấy, các loại lá như lá chuối, lá sen... để bao gói.
• Trường hợp bắt buộc sử dụng túi ni lông thì nên để các loại thực phẩm, hàng hóa có thể để chung trong cùng một túi.
• Tái sử dụng rác thải nhựa vào các mục đích khác mà không gây độc hại cho con người. Không vứt chung các loại rác thải nhựa, túi ni lông với các loại rác dễ phân huỷ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, tái sản xuất thành các sản phẩm có ích khác.