Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch Sốt xuất huyết , Tay – Chân – Miệng trong nhà trường.
Hiện nay thời tiết miền Bắc đang vào mùa hè, nắng nóng và mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và truyền bệnh.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.
Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết thì dịch Tay – Chân – Miệng cũng là một dịch bệnh hiện đang gia tăng. Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Tay chân miệng là một hội chứng bệnh do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ em. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má.
Virus gây bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hoá và thường trải qua 3 giai đoạn: khởi phát (kéo dài 1-2 ngày), toàn phát (kéo dài 3-10 ngày) và lui bệnh (trẻ hồi phục trong 3-5 ngày nếu không có biến chứng).
Virus tay chân miệng lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa, các chất tiết từ mũi miệng, phân của trẻ bệnh.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ khi đến lớp CBGVNV trường mầm non Sơn Ca đã tích cực thực hiện các biện pháp sau:
Nhà trường đảm bảo đủ nước, xà phòng rửa tay cho 100% CBGVNV và học sinh. Giáo viên trên lớp thực hiện nghiêm túc quy chế CSND trẻ, tăng cường rèn kỹ năng vệ sinh cho trẻ. Cô cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn. 100% trẻ ở trường được sử dụng khăn lau mặt và cốc uống nước riêng.
Bé rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cơm
Các lớp thực hiện nghiêm túc việc giữ lớp học sạch sẽ. Hàng ngày giáo viên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Hàng tuần nhà trường đều tiến hành tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn toàn trường bằng các chất tẩy rửa thông thường. Cây xanh được cắt tỉa, chăm sóc không để bụi rậm nhằm tránh muỗi. Nhân viên bảo vệ thực hiện cọ rửa bể đựng nước theo đúng lịch đã phân công, bình chứa nước, bể đựng nước có nắp đậy. Rác được thu gom đúng quy định. Nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ bột Cloramin B để khử khuẩn hàng tuần.
Cô giáo vệ sinh trong lớp
Giáo viên tổng vệ sinh bên ngoài lớp học
Nhân viên nhà bếp thực hiện nghiêm túc chế độ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, đeo găng tay, khẩu trang khi chia thức ăn cho trẻ. Thực hiện tốt việc cho trẻ ăn chín, uống chín. Sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn cho trẻ. Đồ dùng bát, thìa…của trẻ được rửa sạch hấp sấy khử trùng trước khi cho trẻ sử dụng.
Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh thì công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ cũng được nhà trường hết sức quan tâm. BGH chỉ đạo giáo viên các lớp thường xuyên kiểm tra, loại bỏ những đồ dùng, đồ chơi hư hỏng. Đặc biệt là chú trọng kiểm tra nguồn điện, dây điện, ổ điện, các cửa và giá đồ chơi. Nhà vệ sinh của trẻ luôn được giữ sạch sẽ và khô ráo tránh trơn trượt. Các đồ dùng như xô, chậu được lật úp sau khi sử dụng. Các chất tẩy, rửa để cao ngoài tầm với của trẻ.
Các chất tẩy rửa được để trên cao ngoài tầm với của trẻ