Tuyên truyền chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
Với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 một trong những mục tiêu đề ra là “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của người nhiễmHIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS”.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân
biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản to lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.
Như vậy có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt
đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV /AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/ AIDS. Để chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn và có thể cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, cần có sự chung sức của cả cộng đồng thực hiện các hành động cụ thể.
- Cần bảo đảm tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trình từ xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu nhằm đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền của người nhiễm HIV, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để bảo đảm việc tuân thủ và triển khai thực hiện các chính sách liên quan.
- Cần có cơ chế để hỗ trợ chính những người nhiễm HIV/AIDS trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý để giải quyết các vi phạm về quyền của họ như khi bị buộc thôi việc, bị cản trở không được khám chữa bệnh hoặc học tập vì lý do nhiễm HIV.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục và huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội cũng rất quan trọng, vì đa số trường hợp kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bắt nguồn từ trong cộng đồng. Trong đó cần có sự đổi mới về nhiều mặt trong hoạt động tuyên truyền, cụ thể:
- Cần đổi mới tư duy về truyền thông: chuyển từ truyền thông “hù dọa” sang truyền thông giải thích, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.
- Cần đổi mới nội dung/thông điệp truyền thông: tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường và giải thích tại sao HIV lại không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường….; tránh các từ ngữ, lời nói, hình ảnh… có thể gây hiểu nhầm HIV/AIDS cũng là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV là người có lỗi; tăng cường các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, trong đó nhấn mạnh các quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.
- Đổi mới phương pháp truyền thông: đa dạng hóa các phương pháp truyền thông; lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS.
Trên cơ sở đổi mới nêu trên, các hoạt động tuyên truyền có thể được phát động và triển khai trong công đồng một cách hiệu quả.
- Các hoạt động cần bao gồm cả nâng cao nhận thức về HIV, hành vi nguy cơ để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng, bởi đây đang là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị của họ đối với HIV/AIDS;
- Cần thúc đẩy để cộng đồng và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với các biện pháp cụ thể nhằm giúp người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm kỳ thị và học về các quy định luật pháp liên quan về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.
- Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm người nhiễm HIV tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong nhà trường, tại nơi làm việc và tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các hoạt động này;
- Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc, và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ…vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên… người nhiễm HIV nhân các sự kiện lớn trong năm, nhân dịp Tết… để làm gương cho cộng đồng.
Ngoài ra, đối với vấn đề chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV, ngoài các biện pháp truyền thông như với người dân trong cộng đồng, cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Tăng cường truyền thông, giải thích cho giáo viên, các phụ huynh học sinh và học sinh về đường không lây truyền của HIV và nguy cơ lây nhiễm HIV trong học tập, sinh hoạt của học sinh trong trường học, khả năng xử lý, hiệu quả xử lý an toàn trong trường hợp có nguy cơ lây nhiễm xảy ra…;
- Tăng cường truyền thông về các quy định của pháp luật trong việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử nói chung và các điều khoản nghiêm cấm phân biệt đối xử với trẻ em trong trường học nói riêng cho các cô giáo và cha mẹ học sinh;
- Truyền thông về các điều khoản liên quan đến các quyền của trẻ em;
- Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành giáo dục, ngành y tế và các đoàn thể quần chúng với hội cha mẹ học sinh khi có vần đề kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV trong trường học tại xã, phường;
- Vận động các cô giáo, lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể ở địa phương làm gương trong việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em và đưa trẻ nhiễm HIV đến trường.