Viện Vệ sinh dịch tễ TW khuyến cáo gì với phụ huynh về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em ở nước ta là vaccine đã được WHO khuyến cáo tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau, do đó các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng.
Đầu tháng 12/2021 sẽ cố gắng mở rộng việc tiêm cho trẻ trên toàn quốc
Thông tin tại cuộc tập huấn hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 29/10, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: có hai loại vaccine phòng COVID-19 được cấp phép tiêm cho trẻ là vaccine Pfizer và Moderna.
Trong đó, hiện nay do nguồn cung, Việt Nam chủ yếu tiêm vaccine Pfizer. Vaccine này được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi (tương đương lớp 7-12), tiêm giống liều lượng của người lớn.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Trong tháng 11, sẽ triển khai tiêm mũi một, dự kiến triển khai dần cho các tỉnh theo tiến độ tiêm cho người lớn, tiến độ cung ứng vaccine. Đầu tháng 12, sẽ cố gắng mở rộng việc tiêm cho trẻ trên toàn quốc.
Theo đó, sẽ ưu tiên cho địa phương đang có dịch, đang bị giãn cách xã hội, có mật độ dân cư tập trung, nguy cơ lây nhiễm cao. Tỉnh nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cho người lớn thì vẫn tiếp tục ưu tiên tiên cho nhóm này.
Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Trả lời câu hỏi hiện nay có bao nhiêu địa phương sẽ triển khai tiêm vaccine ở thời điểm này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Tất cả các tỉnh phía Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ mũi một khá cao, từ 60% trở lên, một số tỉnh thậm chí đã hoàn thành mũi 2 trên 70%. Hiện các địa phương này đang lập kế hoạch để tiêm cho trẻ.
Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có TPHCM – địa phương hầu như đã hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và khoảng 80% người đã tiêm mũi 2 thì triển khai tiêm thí điểm.
Bà Dương Thị Hồng cũng thông tin thêm: Bộ Y tế sẽ có quyết định riêng về việc phân bổ vaccine Pfizer tiêm cho trẻ.
"Việc tiêm vaccine cho trẻ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, hạ dần lứa tuổi, tiêm cho học sinh lớp 11-12 trước sau đó đến lớp 10 và kết thúc tiêm chủng cho trẻ khối cấp 3 thì sẽ tiêm cho trẻ học cấp 2, cũng từ lứa tuổi cao đến thấp. Việc tiêm vaccine sẽ được thực hiện tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, điểm tiêm dịch vụ…"- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nói.
36 quốc gia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có bao nhiêu quốc gia tiêm vaccine phòng COVID-19, Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng cho hay hiện nay trên thế giới có 36 quốc gia triển khai việc tiêm vaccine cho trẻ em là loại vaccine tương tự như loại Việt Nam cho phép sử dụng để tiêm cho trẻ em, trong đó có 19 nước ở Châu Âu như Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ba Lan… ; 6 quốc gia ở Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Chi Lê, Brazil…; Đối với khu vực Châu Á thì các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine rồi các nước Úc, NewZealand…
"Do đó một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh vaccine tiêm cho trẻ em ở nước ta là vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, được sử dụng tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau, do đó các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa COVID-19" - PGS Dương Thị Hồng
Trả lời quan tâm của các nhà báo về việc "nhiều gia đình bày tỏ lo ngại tiêm vaccine phòng COVID-19 có gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của trẻ hay không", PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh: Vaccine sử dụng tiêm phòng cho trẻ là vaccine Pfizer và Moderna đã được phê duyệt có thành phần mRNA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khoẻ sinh sản (rối loạn vô sinh) rồi bệnh ung thư.. như các phụ huynh đang lo lắng.
"Cho đến hiện nay chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vaccine của hai nhà sản xuất này với sức khoẻ" - PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Liên quan đến việc cung ứng vaccine, PGS. TS Dương Thị Hồng cho biết: Hiện nay việc cung ứng vaccine đỡ căng thẳng hơn giai đoạn đầu.
"Chúng tôi mong muốn các nhà cung ứng vaccine đúng hợp đồng, theo lịch. Với tiến độ cung ứng và tiêm vaccine như hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể hoàn thành được mục tiêu bao phủ vaccine cho hầu hết người dân Việt Nam trong năm nay. Nếu vaccine được cung cứng đủ trong tháng 12 và đầu năm 2022 thì chúng ta sẽ sớm bao phủ được vaccine cho người lớn và cho trẻ" - Bà Hồng cho biêt