Đặc điểm chung: Nhóm bệnh truyền nhiễm đường hô hấp hiện nay còn lưu hành khá phổ biến ở các nước đang phát triển, Đặc biệt là các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam.
Tác nhân gây bệnh thường gặp:
- Vi khuẩn (Bạch hầu, Ho gà, Não mô cầu, Lao,...)…
- Virus (Cúm, Sởi, Quai bị, Thuỷ đậu, Đậu mùa, virus gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp…).
Phân bố ca bệnh: Thường có tình chu kỳ (theo mùa, theo năm); Tăng cao vào các tháng lạnh ẩm;
Đặc điểm bệnh: Các triệu chứng thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh. Các virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường có thời gian ủ bệnh ngắn (cúm 2-3 ngày, sởi 7-18 ngày, bạch hầu 2-5 ngày, ho gà 6-20 ngày, ...). Vi khuẩn có thể có thời gian ủ bệnh và lây truyền dài hơn.
Biểu hiện thường gặp gồm: “Cảm lạnh”, viêm họng, viêm thanh - khí - phế quản cấp, viêm phế quản cấp và viêm phổi cấp. Bệnh có thể diễn biến nặng với các biến chứng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như viêm cơ tim, viêm não, suy chức năng các cơ quan…. và có thể gây tử vong.
Lây truyền:
Thời kỳ lây truyền: lây lan mạnh nhất là trong vòng 3 – 5 ngày từ khi có triệu chứng, mầm bệnh đào thải khi bệnh nhân ho nhiều, khi bệnh giảm thì khả năng lây bệnh cũng giảm. Đa số các bệnh có khả năng lây truyền từ cuối thời kỳ ủ bệnh và có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần tùy theo loại tác nhân gây bệnh, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Phương thức lây truyền: Người mang mầm bệnh sẽ phát tán ra môi trường xung quanh khi thở, ho, hắt hơi… gây ô nhiễm không khí. Khi người khác đi vào khu vực có mầm bệnh thì sẽ hít phải không khí có chưa mầm bệnh. Sau đó mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc đường hô hấp.
Yếu tố thuận lợi: Thường xảy ra ở những nơi tập trung đông người, chật trội, ẩm thấp, lưu thông không khí kém như trường học, chung cư, công sở…; Bệnh có thể gây đại dịch hoặc những ổ dịch nhỏ;
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh: Thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn;
Phòng bệnh:
Hàng ngày thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt để có cơ thể khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động tốt.
Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Vacxin phòng bệnh đặc hiệu có thể ngăn ngừa hiệu quả một số bệnh.
Bệnh Cúm
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Tác nhân gây bệnh
Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Biểu hiện lâm sàng: Hội chứng cúm
- Sốt.
- Viêm long đường hô hấp.
- Ho khan hoặc có đờm.
- Đau họng.
- Đau đầu.
- Đau cơ, mệt mỏi,
- Nôn, tiêu chảy.
Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.
Ca bệnh nghi ngờ:
- Có yếu tố dịch tễ: Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm.
- Lâm sàng: sốt (thường trên 38oC), đau nhức cơ toàn thân và có các biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Ca bệnh xác định:
- Có các tiêu chuẩn của ca bệnh nghi ngờ
- Xét nghiệm dương tính với vi rút cúm.
Chẩn đoán mức độ bệnh:
Cúm chưa có biến chứng (cúm nhẹ):
- Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.
Cúm có biến chứng (cúm nặng):
- Là ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:
+ Có tổn thương ở phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO
2 giảm, PaO
2 giảm)
và/hoặc:
+ Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.
+ Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu)
- Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm:
+ Trẻ em: dưới 5 tuổi; Người già trên 65 tuổi; Phụ nữ có thai.
+ Người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản, Suy giảm miễn dịch (đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS...)
Nguyên tắc điều trị chung
- Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
- Nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh.
- Thuốc kháng vi rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
Các biện pháp phòng bệnh chung
- Tuân thủ qui định phòng bệnh lây qua đường hô hấp.
Tiêm phòng vắc xin cúm
- Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cúm và nguy cơ mắc cúm nặng.
Dự phòng bằng thuốc
- Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.
- Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày
COVID - 19
COVID - 19 là bệnh truyền nhiễm, lây lan qua đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 gây nên. Các ca nghi ngờ đầu tiên được báo cáo vào ngày 31/12/2019, tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lan ra toàn cầu.
Tác nhân gây bệnh
Virus SARS-CoV-2 Là loại virus có kích thước 80 – 160 nm, có nhiều hình dạng, chứa 1 sợi RNA. Sở dĩ virus có tên gọi “ Corona” (vòng tán xạ) vì từ vỏ virus phát ra những vòng sáng như tán xạ mặt trời.
Lây truyền
Virus SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như giọt bắn, hạt khí dung) và qua đường tiếp xúc, qua tay sờ vào bề mặt đồ dùng có nhiễm mầm bệnh rồi đưa lên mũi, mắt, miệng, Lây truyền dọc mẹ - con và qua sữa
mẹ chưa được xác định chắc chắn. Chưa tìm thấy có RNA SARS-CoV-2 trong sữa mẹ, nhưng tìm thấy trong dịch phết quanh đầu vú của bà mẹ đang cho con bú.
Khả năng lây truyền của virus phụ thuộc nhiều yếu tố như lưu thông không khí trong môi trường giới hạn, khoảng cách gần khi tiếp xúc, không gian khép kín, đông dân cư, tụ tập nhiều người là nguy cơ lây truyền cao.
Nguy cơ lây lan thành dịch lớn rất cao; đặc biệt là khi có các điều kiện thuận lợi như tập trung đông người, môi trường thông khí kém, tiếp xúc thời gian dài, biến chủng virus, di chuyển dễ dàng giữa các vùng.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh: Tất cả mọi lứa tuổi, kể cả sơ sinh đều có nguy cơ nhiễm vi rút.
Biểu hiện bệnh
Nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể có triệu chứng sau:
- Viêm đường hô hấp trên: sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác,...
- Tiêu hóa: nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa....
- Phổi: Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ lớn, người lớn với các biểu hiện như ho, khó thở, tím tái...
- Tim: đau ngực, nhịp tim nhanh.
- Thần kinh: lơ mơ, co giật, hôn mê....
Điều trị
- Xác định mức độ nặng, nhẹ của bệnh
- Sử dụng thuốc kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi các dấu hiệu nặng, nếu có thì cần nhập viện điều trị.
Phòng bệnh
- Cách ly người nghi nhiễm virus
- Vệ sinh hô hấp, vệ sinh bề mặt
- Tiêm vắc xin cho đối tượng nguy cơ