Tầm quan trọng của kỹ năng vận động tinh ở trẻ mầm non
Kỹ năng vận động tinh là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ cần phải thành thạo để có thể hoạt động linh hoạt nhất.Trẻ em phát triển các kỹ năng vận động ở các mức độ khác nhau. Kỹ năng vận động tinh là những kỹ năng liên quan đến việc sử dụng các cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay. Khả năng này dần phát triển thông qua kinh nghiệm và tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi, vật liệu và thậm chí cả thực phẩm.
1. Kỹ năng vận động tinh là gì?
Kỹ năng vận động tinh là một trong những kỹ năng quan trọng mà trẻ cần phải thành thạo để có thể hoạt động linh hoạt nhất. Kỹ năng vận động tinh giúp trẻ có thể tự thực hiện việc chăm sóc bản thân như đánh răng, mặc quần áo, tự xúc ăn...
Một số vận động tinh cần thiết
-
Mở, khum bàn tay: Bé nên thành thạo các động tác cong lòng bàn tay vào trong bởi những điều này giúp phối hợp chuyển động giữa các ngón tay, từ đó tiến đến kỹ năng quan trọng khác như viết, cởi quần áo và nắm
-
Kỹ năng giữ ổn định cổ tay: Kỹ năng này phát triển bởi những năm đầu tiên bé đến trường, chúng cho phép trẻ cử động ngón tay với sức mạnh và sự kiểm soát
-
Sự khéo léo của bàn tay: Việc sử dụng ngón tay cái, ngón trỏ và các ngón tay khác với nhau để nắm, gỡ…
-
Phát triển sức mạnh trong cơ tay: Đây là khả năng thực hiện các động tác nhỏ bằng bàn tay, trong đó có sự phối hợp giữa đầu ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa
-
Kỹ năng song song: Cho phép con sử dụng cả hai tay cùng một lúc
-
Kỹ năng sử dụng kéo: Bé có thể học cách dùng kéo từ năm 4 tuổi và kết hợp nhuần nhuyễn cách điều khiển sức mạnh tay và phối hợp với mắt.
Ở mỗi giai đoạn trẻ có sự phát triển khác nhau
2. Một số mốc phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ
Một số mốc đánh dấu cho sự phát triển vận động tinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
-
Từ 0 đến 3 tháng tuổi: đặt tay lên miệng, thư giãn cơ tay
-
Từ 3 đến 6 tháng: nắm hai tay lại với nhau, chuyền đồ chơi từ tay này sang tay khác, giữ và lắc đồ chơi bằng cả hai tay
-
Từ 6 đến 9 tháng: vỗ tay, bốc đồ ăn cho vào miệng, chụm các ngón tay vào nhau, lấy đồ chơi bằng cả hai tay.
-
Từ 9 đến 12 tháng: Lấy các vật nhỏ bằng hai ngón tay cái và ngón trỏ, cầm đồ chơi bằng một tay, sử dụng một ngón tay trỏ để chỉ đồ vật.
-
Từ 1 đến 2 tuổi: Xếp chồng vật này lên vật kia, dùng tay viết nguệch ngoạc trên giấy, sử dụng muỗng xúc đồ ăn, lật từng trang sách một, tự cởi quần áo.
-
Từ 2 đến 3 tuổi: Biết vặn nắm cửa, rửa tay, sử dụng muỗng đúng cách để ăn, xâu hạt to thành chuỗi, tháo nắp đồ chơi đơn giản.
-
Từ 3 đến 4 tuổi: Biết cởi và cài nút quần áo, sử dụng kéo để cắt giấy, vặn và tháo chính xác. Trẻ có thể vẽ những ngôi nhà và nhân vật ít chi tiết.
-
Từ 5 đến 7 tuổi: Vẽ được tranh với nhiều chi tiết hơn, sao chép tranh, sử dụng bút giống người lớn hơn, tô màu không vượt quá đường giới hạn.
Tuy mốc phát triển như vậy nhưng có những trẻ lại phát triển sớm hơn một chút hay muộn hơn so với mốc đề ra. Trong trường hợp nếu không lệch quá nhiều thì không đáng lo ngại, cha mẹ nên hỗ trợ tập cho bé phát triển vận động tinh tốt hơn.
Trẻ phát triển kỹ năng qua các hoạt động thường ngày
3. Các hoạt động thúc đẩy kỹ năng vận động tinh cho trẻ
Sự phát triển vận động tinh phải tùy thuộc vào từng độ tuổi. Không cố gắng ép trẻ làm những việc không phù hợp với lứa tuổi.
Kết hợp các hoạt động vui chơi vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bé có thể giúp cải thiện các kỹ năng vận động tinh. Khả năng học và thực hành các kỹ năng vận động tinh ngay từ khi còn nhỏ có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt học tập, xã hội và cá nhân. Dưới đây là một số hoạt động cha mẹ và con có thể làm cùng nhau:
Đối với trẻ nhỏ từ khi mới sinh giúp con tập phản xạ cầm nắm đồ vật, bằng cách đưa các đồ vật con yêu thích ở trước mặt và trong tầm với của trẻ. Kích thích trẻ cầm nắm đồ ăn và cho vào miệng ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm
-
Khuyến khích phát triển các kỹ năng vận động tinh trong cuộc sống hàng ngày bằng những trò chơi đơn giản như vẽ bằng bút màu, đất sét làm màu... để trẻ tự sáng tạo ở nhà cũng như khi trẻ ở trường.
-
Cho phép bé giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị cho bữa ăn như khuấy, trộn hoặc đổ nguyên liệu đồ ăn nếu không gây nguy hiểm cho trẻ.
-
Cùng trẻ chơi trò chơi như ghép hình, cờ cá ngựa...
-
Dạy trẻ cầm bút vẽ bằng các ngón tay.
-
Dạy con cách đổ nước vào cốc và cầm cốc tự uống nước.
-
Hướng dẫn trẻ cách sử dụng dụng cụ bấm lỗ, dạy trẻ xâu chuỗi hạt từ hạt to đến hạt nhỏ.
-
Dạy trẻ quấn dây xung quanh một vật nào đó.
-
Đặt đồ vật vào hộp sau đó khuyến khích bé tự lấy ra bằng một chiếc kẹp hoặc nhíp.
Vận động tinh là kỹ năng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, vì vậy cha mẹ nên để trẻ học tự làm những việc đơn giản không gây nguy hiểm giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh tốt hơn. Bên cạnh đó cha mẹ cũng đừng quá lo lắng khi vận động của trẻ không tốt bằng các bạn trẻ khác, mà hãy động viên khuyến khích trẻ để trẻ phát triển tốt hơn.