GIỮ ẤM CHO TRẺ KHI TRỜI TRỞ LẠNH ĐỂ TRẺ KHÔNG BỊ ỐM
Việc giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh, đặc biệt là thời tiết rét buốt như hiện nay là vô cùng quan trọng bởi khả năng chịu rét và hệ thống miễn dịch của trẻ còn khá non nớt.
Những vị trí quan trọng cần được giữ ấm cho trẻ
Có 4 vị trí tối quan trọng trên cơ thể đặc biệt cần được giữ ấm trong thời tiết lạnh của mùa đông, đó là: rốn và vùng lưng bụng; đầu; bàn chân; các khớp tay, chân. Riêng đối trẻ nhỏ thì việc giữ ấm cho trẻ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi khả năng chịu rét của trẻ còn kém và hệ thống miễn dịch còn non yếu, chưa đủ sức chống lại giá rét như cơ thể người trưởng thành.
Với kiểu thời tiết lạnh giá của mùa đông như hiện nay, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý việc giữ ấm cơ thể trẻ nhỏ, vừa giúp bé phòng bệnh vừa đảm bảo ổn định nhiệt độ cơ thể để thoải mái hoạt động. Để làm được việc này, cha mẹ hãy đảm bảo các vị trí cơ thể sau đây của bé luôn được ấm áp, đó là:
1. Đầu: Đội mũ len
Theo Đông y, đầu là nơi tụ khí dương của toàn bộ cơ thể, trăm mạch tương thông. Vì vậy, nếu đầu của trẻ bị lạnh sẽ rất dễ bị hao tổn dương khí, dẫn đến trẻ mệt mỏi, đau đầu, cảm lạnh. Để đảm bảo đầu bé được ấm áp, tránh gió, cha mẹ có thể đội mũ len cho bé vừa tránh gió lại vừa giữ ấm cho vùng đầu, quàng thêm khăn để đồng thời giữ ấm cổ.
2. Rốn và vùng lưng, bụng: Mặc quần áo trùm kín
Rốn có huyệt thần khuyết liên kết với các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể của bé cũng giống như người lớn. Đây cũng được xem là “cửa ngõ” giúp cơ thể chống lại mầm bệnh từ bên ngoài. Giữ ấm rốn và vùng lưng, bụng sẽ giúp bé giảm nguy cơ bị cảm lạnh, đau bụng, tiêu chảy, viêm ruột và đảm bảo sinh khí ổn định.
Riêng với vùng lưng, có một vấn đề cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đó là lưng trẻ rất dễ ra mồ hôi khi được ủ ấm quá mức hay vận động, và khi đó, mồ hôi sẽ thấm ngược trở lại khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, cần lưu ý đảm bảo lưng trẻ luôn giữ ấm và khô ráo.
3. Bàn chân: Đi tất ấm
Bàn chân của trẻ là nơi chịu nhiều áp lực khi toàn bộ sức nặng của cơ thể chủ yếu đè lên đôi chân. Bàn chân cũng là nơi có nhiều mạch máu và huyệt đạo chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho cơ thể. Nếu chân của trẻ bị lạnh, các cơ quan nội tạng trong cơ thể bé cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cha mẹ hãy nhớ đeo tất chân cho bé, rửa chân với nước ấm và lau khô cho trẻ. Việc mát-xa chân cho bé cũng giúp lưu thông các mạch máu, chân bé sẽ ấm áp hơn để chống chọi với thời tiết lạnh giá như hiện nay.
4. Các khớp tay, chân: Thường xuyên vận động
Khi trời lạnh, hiện tượng căng cơ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các khớp gối, khớp cổ tay, khớp ngón tay có thể bị lạnh, làm cho tuần hoàn máu kém và dẫn đến viêm khớp. Trẻ nhỏ và người già là những đối tượng mà khả năng điều chỉnh của các khớp không tốt và rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm nhiễm.
Nếu cha mẹ thấy các khớp tay, chân bé có dấu hiệu đỏ ửng hoặc trắng nhợt, khớp yếu thì ngay lập tức ủ ấm cho trẻ. Thường xuyên cho trẻ vận động phù hợp để các mạch máu lưu thông, tránh bị căng cơ, mỏi khớp.
Một số vấn đề cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ trong những ngày trời lạnh
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý thêm 1 số vấn đề sau đây để việc giữ ấm cho trẻ đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn cho trẻ:
- Không để quần áo, chăn vướng lên mặt trẻ sơ sinh: Trẻ nhỏ chưa có khả năng tự vệ, loại bỏ các vật gây cản trở đường thở cho nên quần áo của bé cần gọn gàng, tránh để vướng lên mặt, đầu, cổ bé.
- Mặc quần áo nhiều lớp để giữ ấm: Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, quần áo ấm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên mặc thành nhiều lớp thay vì chỉ mặc 1 lớp duy nhất. Như vậy khả năng giữ ấm sẽ hiệu quả hơn.
- Không quên phụ kiện giữ ấm: Ngoài quần áo thì găng tay, tất, mũ, khăn, giày là những phụ kiện không thể thiếu để giữ ấm cho trẻ.
- Hạn chế hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ thấp: Khi trời rét, cha mẹ hạn chế cho con ra ngoài chơi để tránh trẻ bị hạ nhiệt, tê cóng. Trẻ cũng dễ bị dị ứng hơn người lớn nên cần được giám sát chặt chẽ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
- Không để trẻ 1 mình trong phòng có lò/máy sưởi: Nếu gia đình sử dụng lò sưởi, máy sưởi để làm ấm không khí trong nhà, cha mẹ hãy trông nom trẻ, không để trẻ lại gần khu vực máy sưởi, tránh nguy cơ bị bỏng, khô da.
- Di chuyển các vật dễ cháy ra xa máy sưởi: Khi bật máy sưởi, các đồ vật dễ gây cháy như rèm cửa, giấy tờ cần được để ra xa. Nếu máy lâu không sử dụng, cần kiểm tra xem có bắt bụi hoặc vật cản bên trong có thể gây chập nổ hay không.