Theo một nghiên cứu gộp trên 23 nghiên cứu khác nhau liên quan hơn 11 ngàn người bệnh mắc COVID-19 trên thế giới cho thấy, vitamin D có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 và giảm nguy cơ chuyển nặng khi đã mắc COVID-19.
Kết quả được công bố mới đây trên Tạp chí Quốc tế về Thực hành Lâm sàng (International journal of Clinical Practice).
Vitamin D.
1. Nghiên cứu cho thấy, gần một nửa bệnh nhân COVID-19 bị thiếu vitamin D
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy có 42%
người bệnh COVID-19 bị thiếu vitamin D mức độ trung bình và 41% người bệnh thiếu vitamin D mức độ nặng. Nồng độ vitamin D trung bình của người bệnh COVID-19 là 20.3ng/ml trong khi nồng độ bình thường của vitamin D phải trên 30ng/ml.
Các nhà khoa học cho biết, người thiếu vitamin D gia tăng nguy cơ
mắc COVID-19 lên 3.3 lần người bình thường và người thiếu vitamin D khi đã mắc COVID-19 thì có nguy cơ chuyển nặng gấp 5 lần người bình thường.
2. Đối tượng nào dễ thiếu vitamin D?
Tình trạng thiếu vitamin D không phải là vấn đề mới và không phải hiếm ở Việt Nam. Thiếu vitamin D ở nước ta theo các nghiên cứu trước đây chiếm tỉ lệ khá cao với tỉ lệ từ 20-50% tùy theo nhóm tuổi trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ,
trẻ béo phì, người ít tiếp xúc
ánh nắng mặt trời, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc
bệnh đái tháo đường và các bệnh nền khác.
3. Vitamin D có ở đâu?
Vitamin D chủ yếu được cơ thể sản sinh từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Vitamin D là một vitamin duy nhất trong 13 vitamin không có trong thức ăn mà phải được cơ thể sản sinh từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc sử dụng thực phẩm có bổ sung hay uống thuốc vitamin D.
Do đó, kinh tế càng phát triển, chế độ ăn của người Việt Nam càng cải thiện thì cũng không cải thiện tình trạng thiếu vitamin D mà có khi còn ngược lại vì làm việc trong nhà nhiều hơn trước đây.
Tuy nhiên, để cơ thể tổng hợp tốt vitamin D thì chúng ta phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở thời gian có cường độ mạnh thì mới đạt hiệu quả. Song, vào khoảng thời gian này thì tia cực tím cũng mạnh nhất và cũng ảnh hưởng xấu đến da.
Bên cạnh đó, việc tổng hợp vitamin D dưới da sẽ giảm sút ở một vài trường hợp và/hoặc đối tượng như trong trường hợp không khí bị ô nhiễm, những tháng mùa đông, ở người có màu da sậm, người cao tuổi...
4. Vai trò của vitamin D
Vai trò truyền thống và chính yếu của vitamin D là tăng cường
hấp thu canxi và tăng cường mật độ xương, giúp phát triển chiều cao ở trẻ em,
phòng ngừa còi xương ở trẻ nhỏ và nhuyễn xương và loãng xương ở người trưởng thành và người cao tuổi.
Trước khi có đại dịch COVID-19, vitamin D cũng được nghiên cứu và chứng minh có nhiều vai trò trong việc góp phần phòng chống các bệnh mãn tính không lây như góp phần ngăn ngừa một số loại ung thư, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, bệnh tự miễn…
Trong đại dịch COVID-19, vitamin được nghiên cứu và xác định có vai trò trong việc ngăn ngừa phản ứng viêm và ngăn ngừa tăng cytokine, một trong những chất gây phản ứng viêm mạnh ở người mắc COVID-19.
Nồng độ vitamin D bình thường khi trên 30ng/ml, nồng độ thiếu trung bình khi trong khoảng 20-30ng/ml và thiếu khi dưới 20ng/ml. Nhu cầu vitamin D của người trưởng thành 600 đơn vị (IU) / ngày và tăng lên 800 đơn vị (IU) ở người trên 50 tuổi.
5. Không tự ý bổ sung vitamin bằng thuốc
Việc bổ sung vitamin D trong cộng đồng đã bắt đầu được thực hiện thường quy ở trẻ nhỏ trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên thói quen bổ sung vitamin D ở người trưởng thành và người cao tuổi thì chưa. Thuốc chứa vitamin D hiện nay nở rộ với nhiều chế phẩm khác nhau từ thuốc nhỏ giọt, thuốc viên cho đến thuốc dạng xịt.
Ngoài thuốc chứa vitamin D thì còn có nhiều chế phẩm kết hợp với
vitamin K2. Vitamin K2 cũng là một trong những vitamin thời sự với tác dụng làm tăng mật độ xương ở người trưởng thành và vai trò ngăn ngừa bệnh tim mạch do ngăn ngừa calci hóa bất thường cơ trơn thành mạch máu.
Tuy nhiên việc bổ sung vitamin D bằng thuốc như thế nào cần kiểm tra mức độ thiếu và có sự hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc về dùng, tránh thừa lại gây hại cho cơ thể…